Quản lý

Tăng cường hợp tác, tập trung phục hồi GTVT ASEAN sau đại dịch Covid-19

03/12/2020, 21:04

Các nước ASEAN thống nhất tăng cường hợp tác, tập trung phục hồi sau đại dịch Covid-19, phát triển GTVT bền vững.

img

Hiệu quả trong hợp tác GTVT đóng góp vào thành công chung trong hợp tác giữa các nước ASEAN nói chung, thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nói riêng. Ảnh: Tạo thuận lợi vận tải liên vận qua biên giới, tại cửa khẩu đường bộ Mộc Bài

Tăng cường hợp tác GTVT vì một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”

Tháng 11/2019, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 (ATM25) đã được tổ chức tại Hà Nội đã thông qua nhiều nội dung hợp tác quan trọng, đóng góp vào thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, mở ra thập kỷ mới trong quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN với tinh thần và tâm thế mới, như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT), một năm triển khai thực hiện các nội dung đã thống nhất tại ATM25 và chặng đường hợp tác lĩnh vực GTVT trong những năm qua cho thấy, hợp tác GTVT các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ, đường thủy, đường sắt cả về phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi vận tải, xây dựng thể chế…

Trong đó, việc thực hiện Kế hoạch chiến lược GTVT Kuala Lumpur (KLTSP) 2016 - 2025 đã đạt được những kết quả quan trọng. Báo cáo đánh giá của Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT ASEAN (STOM) lần thứ 50 cho biết, 217 trong số 221 mốc KLTSP thuộc giai đoạn thực hiện 2016 - 2020 đã được đánh giá. Điểm số cho việc thực hiện KLTSP trong 5 năm qua là 3,41/5, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của ASEAN hướng tới kết nối, hiệu quả, hội nhập, an toàn và bền vững hơn của GTVT ASEAN.

Về tăng cường thị trường hàng không chung ASEAN, năm 2020, các nước ASEAN đã thông qua Nghị định thư thực thi-2 (IP2), theo đó các tổ chức đào tạo hàng không (ATO) của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về cấp phép tổ bay (MRA trên FCL) công nhận các yêu cầu cơ bản chung đối với việc phê duyệt ATO của mỗi thành viên ASEAN. Các nước sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thành các IP tiếp theo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ngành hàng không trong ASEAN.

Cùng đó, thông qua Kế hoạch tổng thể cập nhật của Dịch vụ Điều hướng hàng không ASEAN (ANS) nhằm mục đích tăng cường hơn nữa năng lực, an toàn, hiệu quả và quản lý không lưu trong khu vực và thúc đẩy Bầu trời ASEAN thông suốt, hỗ trợ thị trường hàng không chung ASEAN.

Về tăng cường mạng lưới giao thông ASEAN và vận tải hàng hóa, hành khách xuyên biên giới, các nước ASEAN cũng thống nhất đưa ra Bản đồ Mạng lưới Giao thông đường bộ ASEAN, như một bản đồ dựa trên web để hiển thị công khai kết nối đường cao tốc và đường sắt trong các dự án Mạng lưới đường cao tốc ASEAN (AHN) và Tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL) với cảng biển, sân bay, đường sắt trong cảng cũng như các đặc khu kinh tế trong ASEAN. Bản đồ này sẽ hữu ích cho các khu vực tư nhân trong việc xác định các vị trí cho các cơ hội đầu tư và kinh doanh trong khu vực ASEAN.

Các nước cũng tích cực chuẩn bị thực hiện thí điểm Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới bằng phương tiện đường bộ (ASEAN CBTP).

Về hợp tác tăng cường ATGT đường bộ, các nước thống nhất ban hành Tuyên bố Brunei về An toàn giao thông đường bộ 2020, trong đó kêu gọi tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN để góp phần giảm thiểu tử vong do TNGT đường bộ xuống ít nhất 50% từ năm 2020 đến năm 2030. Ngoài ra sẽ phát hành Video An toàn đường bộ ASEAN giới thiệu những nỗ lực của ASEAN trong việc cải thiện an toàn đường bộ và giảm thiểu tử vong do TNGT đường bộ trong khu vực trong thập kỷ qua.

img

Tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 26 (ATM 26), các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN thống nhất mục tiêu tăng cường hợp tác hơn nữa, nỗ lực phục hồi GTVT sau đại dịch Covid-19

Tập trung phục hồi GTVT ASEAN sau đại dịch Covid-19

Tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 26 (ATM 26) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 11/2020 vừa qua, ông Abdul Mutalib Yusof, Bộ trưởng GTVT Brunei Darussalam, chủ tọa hội nghị nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến các nước trên thế giới và khối ASEAN, đặc biệt là về vận tải và logistics. GTVT bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực hàng không, sản lượng vận tải giảm khoảng 59% so với năm 2019, số km hàng không vận chuyển giảm 44%...

“GTVT đóng vai trò quan trọng trong khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch. Vì vậy các nước cần đoàn kết, thống nhất để triển khai các kế hoạch phát triển GTVT ASEAN bền vững”, Bộ trưởng Abdul Mutalib Yusof nói, đồng thời đề nghị các nước tập trung phát triển hệ thống GTVT bền vững sau đại dịch thông qua Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2015 - 2025; Phục hồi GTVT sau đại dịch với các hướng dẫn đi lại của các chuyên gia, vận tải hàng hóa đường bộ…

Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của các Bộ trưởng tham dự hội nghị. Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành GTVT Việt Nam thời gian qua chịu nhiều tổn thất lớn bởi ảnh hưởng dịch Covi-19, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, đường bộ. Sản lượng thị trường hàng không giảm 46%, sản lượng vận tải đường bộ dự kiến giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ GTVT Việt Nam đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và tiến tới mở cửa lại các hoạt động vận tải quốc tế. Trong đó, lĩnh vực hàng không, thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch như tạo điều kiện sử dụng slot tại các sân bay; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong điều hành, cấp phép bay; miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không.

Trong lĩnh vực hàng hải, thực hiện đơn giản và cắt giảm thủ tục hành chính; gia hạn các chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; lùi thời gian kiểm tra thực tế các tàu biển trong thời gian diễn biến phức tạp của bệnh dịch; ứng dụng thu phí điện tử.

Trong lĩnh vực đường bộ, kịp thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng xem xét, hỗ trợ khoanh nợ, cơ cấu nợ và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, nhằm duy trì chuỗi cung ứng thông suốt, trong thời gian dịch Covid-19 Việt Nam vẫn duy trì hoạt động vận tải hàng hóa với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc;

Trong lĩnh vực đường sắt, ngành Đường sắt Việt Nam đã tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm; bổ sung các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Nhiều nước ASEAN đã kiềm chế dịch Covid-19 tốt, ngành GTVT tiếp tục phát triển, giúp các nước có tăng trưởng dương, hạn chế tăng trưởng âm. Thời gian tới, các nước ASEAN cần có sự hợp tác tốt hơn nữa, giúp ngành GTVT phát triển, giúp nền kinh tế mỗi quốc gia phát triển tốt hơn”.

img

Phục hồi thị trường hàng không trong và sau đại dịch là quan tâm hàng đầu của các nước ASEAN

Với mục tiêu tăng cường hợp tác hơn nữa, nỗ lực phục hồi GTVT sau đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN đã cam kết triển khai các chính sách, kế hoạch phục hồi GTVT theo Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch thực hiện của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, được coi là chiến lược hợp nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các Bộ trưởng khuyến khích các hội nghị quan chức cấp cao GTVT ASEAN và các nhóm công tác có liên quan thực hiện các sáng kiến ​​và chương trình của Kế hoạch thực hiện ACRF theo mục tiêu của ngành GTVT để xây dựng một tương lai sau đại dịch tốt hơn cho khu vực.

Trong đó, thông qua Hướng dẫn hoạt động Covid-19 của toàn ASEAN về bảo vệ an toàn cho hành khách và tổ bay, cũng như làm sạch và khử trùng máy bay. Đây là một tập hợp các hướng dẫn vận hành rộng rãi, mang lại lợi ích cho khách du lịch nói chung vì hướng dẫn được xây dựng nhằm giảm thiểu rủi ro lây truyền Covid-19, khôi phục niềm tin của hành khách và hỗ trợ nối lại an toàn các hoạt động hàng không trong ASEAN.

Cùng đó, các Bộ trưởng cũng thống nhất cần thúc đẩy hơn nữa các hợp tác, giải pháp kết nối trong lĩnh vực GTVT nhằm phát triển GTVT bền vững. Theo đó, thông qua các khuyến nghị của Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur (KLTSP) 2015 - 2025 và Kế hoạch sửa đổi thực hiện KLTSP 2016 - 2025 kết hợp các sáng kiến ​​toàn cầu và khu vực gần đây liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải cũng như các sáng kiến ​​nhằm giải quyết tác động của đại dịch Covid-19. Nội dung kế hoạch sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, cũng nhằm hỗ trợ Kế hoạch thực hiện ACRF.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.