Chiều nay (20/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với ông Masafumi Shukuri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế (IHRA).
Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã dành thời gian tiếp đoàn, ông Masafumi Shukuri cho biết, Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản và Bộ GTVT Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội vào tháng 12/2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Hội thảo sẽ tập trung vào các lĩnh vực đường sắt, cảng biển và cảng hàng không.
"Đặc biệt, tại hội thảo, Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế sẽ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển đường sắt tốc độ cao, nhất là làm sao để tạo được sự đồng thuận của các bên liên quan. Chúng tôi mong rằng Bộ trưởng thu xếp tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo", Chủ tịch JTTRI Masafumi Shukuri nói.
Liên quan đến công nghệ đường sắt tốc độ cao, ông Masafumi Shukuri chia sẻ, việc chọn lựa công nghệ phụ thuộc vào tốc độ khai thác và phương án chỉ khai thác chạy tàu khách hay khai thác chung tàu khách, tàu hàng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen từ năm 1964 chưa xảy ra sự cố đe dọa mất an toàn, kể cả trường hợp không người lái, cá nhân ông Masafumi Shukuri cho rằng nên đầu tư đường sắt tốc độ cao chuyên khai thác chạy tàu khách.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó hợp tác lĩnh vực GTVT đóng vai trò quan trọng. Bộ trưởng vui mừng khi được biết Nhật Bản đang tiến hành xây dựng cơ chế tài trợ ODA thế hệ mới và bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tham gia cơ chế này với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực đường sắt.
Bộ trưởng thông tin, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.545km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 60 tỉ USD và mong muốn hoàn thành trước năm 2050. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị dự án, gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là vấn đề lựa chọn phương án tốc độ khai thác, phương án khai thác chung cho cả hành khách và hàng hóa hoặc riêng hành khách và các phương án huy động tài chính.
Bộ trưởng cũng cho biết, dự kiến dự án sẽ huy động từ 3 nguồn: vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA và huy động vốn các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Nhật Bản xem xét hỗ trợ Việt Nam trong triển khai dự án.
Về đề xuất của phía Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và thống nhất phối hợp tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời đề nghị phía Nhật Bản cử các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt tốc độ cao tham gia hội thảo, thông qua đó truyền thông đến nhân dân, các bộ ngành hữu quan Việt Nam hiểu về đầu tư lĩnh vực này.
"Tôi tin rằng hội thảo sẽ đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực GTVT, cung cấp các thông tin hữu ích về kinh nghiệm cũng như công nghệ của Nhật Bản trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, cảng biển, cảng hàng không", Bộ trưởng nói và bày tỏ tin tưởng hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trong các lĩnh vực GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận