Lãi suất thấp kích thích nhà người dân vay vốn mua, sửa nhà |
Tại Hội thảo “Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo” sáng nay (14/3), Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết, năm 2015, tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) tăng nhanh.
Cụ thể, dù cho vay ngoại tệ giảm 12,9%, song nhờ cho vay VND tăng hơn 24% nên tính chung lại, tín dụng cho nền kinh tế vẫn tăng 19-20%. Theo nhận định của các chuyên gia, tín dụng tăng nhanh giúp các NH đẩy mạnh tốc độ xử lý nợ xấu thông qua kích hoạt thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời tăng giá trị tài sản, doanh thu, lợi nhuận.
“Với Việt Nam, lãi vay vẫn là nguồn thu chính của hệ thống NH trong ít nhất 5 năm nữa và tăng trưởng của hệ thống ngân hàng vẫn phải gắn chặt với tăng trưởng tín dụng”, Phó Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước nhận định.
Chủ tịch UBGSTCQG Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, tín dụng nền kinh tế tăng nhanh có sự đóng góp đáng kể từ tín dụng BĐS với mức tăng 28,3% trong năm qua. Song ông cũng lưu ý, tín dụng nếu tiếp tục đổ mạnh vào khu vực BĐS sẽ thu hẹp vốn cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Mặt khác, cũng sẽ làm tăng sự mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, ông Ngoạn phân tích, các khoản vốn vay BĐS (đầu tư, kinh doanh hay mua nhà) chủ yếu có kỳ hạn dài. Trong khi đó, vốn huy động của NH chủ yếu có kỳ hạn ngắn. “Vốn huy động có kỳ hạn trên 1 năm đã ít, trên 5 năm gần như không có, trong khi cho vay trung dài hạn chiếm tỷ lệ trên 55% tổng vốn tín dụng. Và nếu tỷ lệ này không được cân đối, sẽ là nguy cơ rủi ro thanh khoản cho hệ thống NH trong tương lai”, ông Ngoạn nói.
Chung quan điểm này, ông Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải nghiên cứu, tính toán để điều chỉnh tỷ lệ cho vay các lĩnh vực cho hài hòa, hợp lý. Ông Phước giải thích thêm, sau một thời gian dài thị trường BĐS đóng băng, giá đi xuống, trong khi lãi suất NH ở mức thấp, nên nhiều người dân vay vốn mua, sửa chữa nhà cửa.
Do vậy, vốn vay BĐS cũng phần nào đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Tuy nhiên, con số về tín dụng BĐS cũng vẫn là cảnh báo cho nền kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận