Dưới đánh lên, trên đánh xuống
12h trưa 22/5, tại phía cửa Bắc hầm đường sắt Chí Thạnh, hàng chục công nhân Công ty CP Tổng công ty công trình đường sắt ăn vội bữa cơm trưa rồi thay ca nhau di chuyển vào sâu trong hầm để tiếp tục khắc phục sạt lở.
Đi sâu vào hầm hun hút một màu đen và khói bụi, một nhóm gần 10 công nhân điều khiển máy móc khoan vào các vị trí có đất đá sạt lở trong hầm rồi phun bê tông vào đó.
Sau khi phun bê tông để cố định các điểm sạt lở, công nhân sẽ thu dọn lượng đất đá, vật liệu rơi vào trong hầm rồi vận chuyển ra ngoài.
Phía trên nóc hầm, một nhóm công nhân khác cũng đang dò tìm vị trí để phun bê tông xuống nhằm gia cố vòm hầm theo kiểu "dưới đánh lên, trên đánh xuống". Điều này giúp tạo thành khối liên kết vững chắc, tránh việc để xảy ra sạt lở trong quá trình hót dọn đất đá phía dưới như trong sự cố sạt lở hầm Bãi Gió hồi tháng trước.
Ngoài trời lất phất mưa nhưng giữa trưa, phía trong hầm Chí Thạnh nóng như đổ lửa. Khói bụi, không gian ngột ngạt khiến việc thi công của công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Liên tục kéo áo lên lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, công nhân Lê Văn Tuấn (38 tuổi) chăm chú vào từng mũi khoan, anh nói vội: "Công việc gặp nhiều khó khăn do đất đá bịt kín lối đi, phải thật tập trung để các mũi khoan được chuẩn. Dù đã được gia cố vòm hầm nhưng vẫn rất lo lắng sẽ sạt lở thêm. Chúng tôi đang tranh thủ để đẩy khối lượng công việc lên và dọn sạch khối đất đá án ngữ giữa hầm, mong thông hầm thật sớm".
Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, những ngày qua, Phú Yên xuất hiện mưa nhiều khiến đất ngậm nước, cùng với đó địa chất hầm đường sắt Chí Thạnh bị phong hóa lâu năm nên việc khắc phục sự cố sạt lở rất khó khăn.
“Hiện, chúng tôi đã huy động khoảng 50 công nhân và kỹ sư để khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở hầm. Phương án khắc phục hầm Chí Thạnh cũng tương tự khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió lúc sau.
Công nhân sẽ khoan tạo neo và phun bê tông trên vỏ hầm để tạo thành khối liên kết vững chắc, sau đó mới dọn dẹp đất đá ở phía dưới. Tuy nhiên, do địa chất phức tạp nên ngành đường sắt chưa dự kiến được thời gian thông hầm”, ông Lê Quang Vinh cho biết.
Theo lãnh đạo ngành Đường sắt, rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở hầm Bãi Gió trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đơn vị thi công không triển khai dọn đất đá sạt lở mà tiến hành bịt kín để tạo thành chân đế giữ phía trên nóc hầm. Hai tàu công trình ở hai đầu hầm sẽ đưa máy móc vào để chuẩn bị khoan neo ở 2 đầu hầm cả phía Nam và Bắc.
Nhớ những chuyến tàu qua
Tại nhà gác hầm số 17 hầm Bắc Chí Thạnh (Km 1168+438), tuần hầm Trần Chánh Em liên tục đi ra rồi lại đi vào, chốc chốc ngước lên nhìn trời.
Cũng như nhiều tuần hầm khác, ông Em mong sao hầm Chí Thạnh sớm được khắc phục xong để thông tuyến trở lại. Đã có thâm niên trong nghề, ông Em ăn ngủ trên những cung đường sắt. Dù từ khi sự cố sạt lở xảy ra, có rất nhiều người đến nhà gác này, nhưng lòng ông lại buồn thăm thẳm.
"Chỉ mới dừng tàu có một ngày đã thấy nhớ những chuyến tàu qua đây. Tiếng kéo còi, hình ảnh những người trên tàu, những đoàn tàu xuyên hầm qua núi đã trở thành một phần không thể thiếu. Mong sao hầm đường sắt sớm được khắc phục xong để tàu lại chạy dọc Bắc - Nam", ông Em tâm sự.
Nói rồi, ông Em lại chạy ra nhìn trời. Hơn 12h trưa, mây đen kéo đến bao phủ một vùng kèm giông lớn, nét lo lắng lại thoáng hiện lên trên gương mặt người tuần hầm.
Từ khi xảy ra sự cố sạt lở, ngành Đường sắt đã lên phương án trung chuyển hành khách bằng ô tô từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và ngược lại nhằm đảm bảo lịch trình di chuyển của khách đi tàu. Quãng đường trung chuyển khoảng 50km, thuộc tỉnh Phú Yên.
Theo đó, hành khách đi trên các chuyến tàu khách từ phía Bắc vào Nam sẽ được trung chuyển bằng ô tô từ ga La Hai đến ga Tuy Hòa. Chiều ngược lại, hành khách đi các chuyến tàu khách từ ga Sài Gòn đi ra Bắc sẽ được trung chuyển bằng ô tô từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai.
Từ chiều 21/5 đến sáng 22/5, ngành Đường sắt đã trung chuyển khoảng 2.700 hành khách (của 12 đoàn tàu) đi từ ga La Hai đến ga Tuy Hòa và ngược lại.
Khoảng 10h15 ngày 21/5, một lượng đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên) đã bất ngờ đổ xuống khi tàu công trình đang thực hiện công tác gia cố hầm, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 30m3. Sau đó, hầm này tiếp tục sạt lở với khối lượng lên đến 50m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận