Xóa mô hình tháp ngược
Mới đây, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định tăng số đội dự Giải hạng Nhất Quốc gia từ 12 lên 14 đội từ năm 2021. Để đảm bảo con số này, mùa giải 2020, hạng Nhì sẽ có 3 đội giành quyền lên chơi tại giải hạng Nhất. Động thái này của VFF nhằm cân bằng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, xóa mô hình tháp ngược (số đội V-League nhiều hơn hạng Nhất) trái xu thế chung của thế giới vốn tồn tại lâu nay.
Tuy nhiên, xung quanh quyết định trên vẫn còn nhiều băn khoăn khi cách làm bóng đá ở Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp; rất nhiều CLB, đặc biệt ở giải hạng Nhất hoạt động theo tiêu chí duy trì phong trào địa phương. Trong số 12 đội đang chơi tại hạng Nhất, chỉ Bình Định, Phố Hiến, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Sanna Khánh Hòa có chút thực lực, xác định cạnh tranh lên hạng. Phần còn lại gồm: Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Tây Ninh, Cần Thơ… chỉ đá theo kiểu an phận, thậm chí có thể… bỏ giải bất cứ lúc nào.
Chẳng nói đâu xa, trước thềm mùa giải 2019, nếu không nhận được sự đầu tư của một Tập đoàn bất động sản, Bình Định đã phải giải tán. Đầu mùa giải 2017, Đồng Nai và Phú Yên cũng xin thôi không tham dự Giải hạng Nhất do thiếu kinh phí. Xa hơn, năm 2015, An Giang từng xin rút khỏi giải đấu số 2 Việt Nam vì lý do tương tự…
Một chi tiết khác cũng rất đáng chú ý, từ năm 2012, hạng Nhất đã có 14 đội tranh tài. Nhưng chỉ một năm sau chỉ còn 8 CLB và duy trì như vậy tới năm 2015. Những tưởng việc tăng lên con số 10 vào năm 2016 sẽ là tiền đề để có sự ổn định cho hạng Nhất thì đến năm 2017 lại giảm xuống còn 7 đội. Năm 2018, hạng Nhất tăng lên 10 đội và năm 2019 là 12 đội.
Những dữ liệu trên cho thấy, Giải hạng Nhất rõ ràng thiếu sự ổn định cần thiết. Các đội bóng nay chơi mai nghỉ là điều bình thường và nhà tổ chức mỗi đầu mùa lại nơm nớp lo có đội xin rút. Với tiền đề như vậy, cộng thêm tác động của đại dịch Covid-19, việc tăng số CLB hạng Nhất thời điểm này bị đặt dấu hỏi cũng chẳng lạ.
Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm cho rằng, việc tăng số đội không khó, cái khó là các đội lên rồi liệu có duy trì được hay không. “Tôi biết có một số đội hạng Nhì rất khao khát lên hạng Nhất và họ cũng có lực lượng khá ổn. Nhưng họ không có tài chính nên đành chấp nhận gác lại ước mơ. Khi đá hạng Nhì, kinh phí không đáng bao nhiêu, ngân sách chi được. Lên hạng Nhất rồi chi tiêu ít cũng cỡ 20 tỷ đồng/năm, địa phương chỉ hỗ trợ đào tạo trẻ, nếu không có doanh nghiệp chung tay thì không trụ nổi”, ông Nhiệm nhận xét.
Chung quan điểm, nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ nhìn nhận, giải do mình tổ chức, mình muốn số lượng bao nhiêu chẳng được. Tuy nhiên, tăng đội mà chất lượng kém thì không nên tăng. “Nhìn vào các đội hạng Nhất hiện nay, liệu có mấy đội tiệm cận được trình độ V-League? Thực trạng này nếu cơ cấu đội phình ra thì chất lượng cũng rất thấp, không giải quyết được cốt lõi vấn đề, chỉ mang tính khuyến khích các địa phương lo cho bóng đá nhiều hơn”, ông Thọ nói.
Muốn phát triển phải chuyên nghiệp
Trước những ý kiến trái chiều, một lãnh đạo VFF phân tích, quyết định tăng số đội dự giải hạng Nhất là quyết định của Ban Chấp hành chứ không phải của bất kỳ cá nhân nào. Trước khi quyết định, Ban Chấp hành cùng các bộ phận chuyên môn, Ban Tổng Thư ký VFF đã nghiên cứu rất kỹ, tính tới các khả năng khác nhau và nhận thấy tính khả thi mới đưa vào thực tế.
“Có thời điểm khủng hoảng, hạng Nhất chỉ còn 7 đội, như vậy rất mất cân đối so với V-League. Số lượng trận đấu ít, cầu thủ thi đấu ít thì không thể nâng cao trình độ, thu nhập cầu thủ từ bóng đá cũng kém. Sau đó, Ban Chấp hành VFF đã đánh giá lại, căn cứ vào thực tế để đẩy số đội lên dần dần. Hai năm gần nhất chúng ta chỉ có tăng, không giảm, đó cũng là tín hiệu đáng mừng”, vị này nói.
“Số lượng đội buộc phải tăng và trong tương lai sẽ còn tăng nữa nhưng cần lộ trình cụ thể, tránh rơi vào tình trạng ăn xổi, thiếu bền vững. Số đội tăng đương nhiên số lượng trận đấu tăng, cầu thủ có thêm cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, tính cạnh tranh gia tăng bởi sẽ có 2 suất lên hạng. Đó là chưa kể V-League thêm nửa suất xuống hạng (từ 1,5 lên 2) cũng là yếu tố khiến giải tăng sự ăn thua. Tất nhiên, khi cấp phép, VFF sẽ đánh giá chặt chẽ theo quy định của FIFA và AFC, nếu không đủ điều kiện thì kiên quyết không được cấp phép”, vị lãnh đạo trên cho biết thêm.
Về nước đi của VFF, ông Đoàn Phùng, Trưởng đoàn bóng đá Thừa Thiên - Huế cho hay, đây là điều nên làm, để giải hạng Nhất không bị teo tóp, dần tạo thành chân đế vững chắc cho V-League, như vậy bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển trong tương lai. Mặc dù vậy, ông Đoàn Phùng cho rằng, song song việc thực hiện tiêu chí của FIFA, AFC, VFF cũng như VPF cần nghiên cứu mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế tại Việt Nam để đảm bảo các CLB không rơi vào cảnh sống dở, chết dở khi thiếu kinh phí.
Trong khi đó, ông Lê Thế Thọ khẳng định, nếu muốn phát triển, bóng đá Việt Nam phải thực sự chuyên nghiệp. “Ở nước ngoài, CLB họ sống bằng tiền bản quyền truyền hình, tiền bán vé, tiền kinh doanh, tiền tài trợ chỉ là một phần nhỏ. Ngược lại, ở Việt Nam gần như 100% các đội sống bằng tài trợ. Cuộc chơi không phải là của những nhà làm bóng đá mà thuộc về các ông bầu, các doanh nghiệp. Chỉ cần ông bầu rút lui là cả đội bóng sẽ giải thể, đó không thể coi là bóng đá chuyên nghiệp. Nếu không quyết liệt thay đổi cách vận hành, tăng số đội tham dự các giải đấu trong nước cũng vô nghĩa. Tôi cho rằng, nếu cần thiết có thể siết lại số đội, kể cả ở V-League, miễn sao đảm bảo được chất lượng”, ông Thọ nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận