Tiến độ thi công vượt cam kết
Những ngày đầu tháng 7, mảnh đất Khánh Hòa vẫn đón những đợt nắng như đổ lửa. Trên công trường gói thầu XL2 dự án Vân Phong - Nha Trang, hàng trăm công nhân, kỹ sư của Tập đoàn Sơn Hải lưng đẫm mồ hôi, làn da ngày càng sạm đen vẫn miệt mài thi công các hạng mục.
Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang.
Đảm trách gần 23km tại gói thầu, kỹ sư Trần Bá Lam, Chỉ huy trưởng thuộc Tập đoàn Sơn Hải cho biết, giá trị thi công của đơn vị đã đạt 1.400 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch. Hiện, các hạng mục chính như cầu, hầm chui, cống thoát nước, nền, mặt đường trên tuyến đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến cuối năm nay, sản lượng thực hiện đạt khoảng 99% giá trị hợp đồng.
Theo ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7, với sự chủ động của các nhà thầu, sản lượng thi công toàn dự án cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang đến nay đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tương đương 59% giá trị hợp đồng. Kết quả thi công thực tế vượt 5% so với tiến độ ban đầu (ngày 21/12/2025) và vượt 0,1 % so với tiến độ điều chỉnh. Dự án đang phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"So với yêu cầu, các đơn vị đã huy động lượng máy móc, thiết bị gấp khoảng 1,5 lần. So với tiến độ rút ngắn, các đơn vị đều huy động thực tế vượt từ 1,1 - 1,3 lần lượng máy móc, nhân sự thi công 3 ca, 4 kíp", ông Tuyên nói.
Cũng theo ông Tuyên, để đảm bảo mục tiêu rút ngắn tiến độ 8 tháng, các nhà thầu phải tổ chức thi công với giá trị sản lượng thi công hàng tuần, hàng tháng tăng thêm từ 15 - 20%.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa
Trên chặng đua về đích sớm, tại dự án cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh cũng đang ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL2 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị đã huy động thiết bị, nhân lực gấp 2 lần so với phương án ban đầu. Hiện giá trị thực hiện của đã đạt hơn 640 tỷ đồng, tương đương hơn 52% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch.
Sản lượng thi công theo tuần/tháng luôn gấp 1,5 lần so với kế hoạch ban đầu. Mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành 90% giá trị hợp đồng. Trong đó, phần đường sẽ thảm xong bê tông nhựa, phần cầu sẽ hoàn thiện toàn bộ.
Thời tiết thuận lợi, vướng mắc mặt bằng được tháo gỡ, dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng cũng đang bước vào giai đoạn khởi sắc.
Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết, nếu thời điểm đầu năm, dự án Hàm Nghi - Vũng Áng còn trong nhóm chậm tiến độ thì hiện tại, sản lượng thi công dự án đạt 43% giá trị hợp đồng, vượt 0,48% kế hoạch. So với kế hoạch được lập ban đầu, giá trị thi công tăng khoảng 200 tỷ đồng/tháng. Thời gian qua, số lượng nhân lực, máy móc được huy động gấp 2 lần kế hoạch lập ban đầu.
"Căn cứ tình hình thực tế, dự án đã được đăng ký rút ngắn tiến độ thi công 4 - 5 tháng so với hợp đồng ký kết, dự kiến kết thúc khoảng ngày 30/6/2025", ông Trung nói.
Đăng ký rút ngắn tiến độ 6 tháng, cán đích vào tháng 6/2025 thay vì cuối năm 2025 như dự kiến, đại diện Ban QLDA 6 (chủ đầu tư) cho biết, trên đại công trường dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, hàng nghìn công nhân, kỹ sư cũng đang cấp tập đẩy nhanh tiến độ trước khi mùa mưa tới. Hiện sản lượng thi công dự án đạt hơn 53%, vượt 1,4% so với kế hoạch đăng ký.
Riêng hầm Đèo Bụt, hạng mục đóng vai trò quyết định tiến độ dự án, công tác đào hầm đạt 1.406/1.556m, đạt hơn 90% giá trị, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Sớm tháo gỡ mặt bằng
Tiến độ thi công dự án vẫn đang bám sát kế hoạch, song để bảo đảm việc đưa dự án đoạn Vũng Áng - Bùng về đích sớm, đại diện Ban QLDA 6 cũng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bàn giao toàn bộ mặt bằng các vị trị còn vướng trước ngày 30/6/2024.
"Đối với công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận về nguyên tắc, yêu cầu các bên liên quan bổ sung hồ sơ, tờ trình. Chúng tôi mong việc ban hành nghị quyết bổ sung sẽ sớm được thực hiện. Những khó khăn cần được xử lý trước ngày 15/7/2024 để dự án hoàn thành đúng tiến độ", lãnh đạo Ban QLDA 6 kiến nghị.
Chung nỗi lo, theo lãnh đạo Ban QLDA 7, trên phạm vi thi công dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang, mặt bằng đường dẫn cầu vượt ĐT65D (đường TL7) vướng 14 hộ và cổng chào UBND xã Ninh Sơn, không thể cắt đường để thi công tuyến chính cao tốc.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật hiện còn 76 vị trí chưa di dời. Trên tuyến chính còn khoảng 2,7km (22 vị trí) vướng hạ tầng điện, việc thi công phải tạm dừng. "Những nút thắt trên cần được tháo gỡ trước ngày 30/8/2024 để dự án bảo đảm thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2025", lãnh đạo Ban QLDA 7 nói.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá, phần mặt bằng còn lại chưa được xử lý trên phạm vi thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chủ yếu vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ điều kiện thi công thực tế, chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương để được bàn giao toàn bộ mặt bằng sớm, tuyệt đối không được có tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Các nhà thầu cũng được yêu cầu phải tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân vật lực, tổ chức thi công khoa học, hoàn thành dứt điểm các đoạn tuyến không vướng mặt bằng.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, trong 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, có 8 dự án được đăng ký rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Vân Phong - Nha Trang.
Bốn dự án thành phần còn lại (Vũng Áng - Bùng, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau) việc rút ngắn tiến độ gặp khó khăn do phải xử lý nền đường qua khu vực đất yếu, có thời gian chờ lún từ 10 - 12 tháng, trong khi công tác GPMB chưa hoàn thành, nguồn vật liệu cát đắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa đáp ứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận