Ảnh minh họa |
Nhiều năm qua đường sắt thường thua trên sân nhà và để đường bộ, thậm chí cả đường thủy lấn át. Nhưng không ít người cho rằng, đường sắt tự thua nhiều hơn, bởi bản thân đường bộ, đường thủy vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có việc quá tải, ùn tắc và nguy cơ TNGT cao.
Mọi người “quay lưng” với đường sắt bởi lĩnh vực này quá quen với lối làm ăn kiểu bao cấp, phân phát và thụ động. Thường chỉ những dịp lễ, Tết, khách đổ dồn vào tàu hỏa trong một vài ngày, rồi lại tìm đến đường bộ và bỏ mặc đường sắt ế ẩm, sản lượng vận tải ngày càng thụt lùi sau từng năm.
Lấy ví dụ ngay tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, đây được xem là cung đoạn có tiềm năng lớn nhất cả nước bởi nhu cầu vận tải rất cao. Cả vận tải khách và hàng hóa đều vô cùng lớn. Nhưng những năm qua, khách chỉ quen đi xe khách chất lượng cao Vinh - Hà Nội dù giá vé không hề rẻ. Nhiều thời điểm tuyến QL1 phải nâng cấp, sửa chữa, ùn tắc liên miên nhưng khách vẫn không chọn đường sắt, bởi những chuyến tàu địa phương quá sơ sài, chất lượng thấp và thường xuyên trễ giờ do phải nhường tàu khác. Tàu hàng càng tệ hơn, dù chỉ vài trăm cây số mà mất hơn ngày trời vì chờ tàu và quá nhiều thủ tục nhiêu khê.
Nếu không muốn tiếp tục là kẻ thua cuộc, đường sắt không thể ngồi yên. Và thực tế những năm gần đây đường sắt liên tục đổi mới, tái cơ cấu không ngừng. Những nỗ lực đó là rất đáng ghi nhận, từ chất lượng dịch vụ đến nhà ga, đoàn tàu đều đang dần lột xác để hút hành khách về phía mình.
Với riêng tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, việc Bộ GTVT có riêng một đề án nâng cao năng lực khai thác như một kim chỉ nam và là động lực không thể tốt hơn để ngành Đường sắt phát huy hết tiềm năng sẵn có. Những phản ứng của ngành Đường sắt là thực sự nhanh và đáng ghi nhận. Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này đã mở màn bằng việc khai trương đôi tàu nhanh SE35/SE36 giữa Hà Nội - Vinh chất lượng cao và giá vé linh hoạt. So sánh với những chuyến tàu địa phương cũ kỹ trước đây, đôi tàu nhanh vượt trội về chất lượng, thời gian và ngay lập tức thu hút hành khách. Ngay ngày khai trương đã đông kín khách, một điều rất hiếm gặp với đường sắt nhất là không phải lễ, Tết, cuối tuần.
Tới đây, với hàng loạt các giải pháp khác, trong đó có những chính sách bán vé linh hoạt, đặc biệt là việc đặt hành khách là trung tâm, đường sắt sẽ mở thêm nhiều dịch vụ mới. Trong đó, có việc mở thêm các tuyến buýt kết nối, xe trung chuyển, hành khách có thể được đón từ nhà ra tận ga; hàng hóa được vận chuyển door to door (từ kho gửi hàng đến kho nhận hàng) mà không phải qua khâu trung gian. Cùng đó, năng lực vận chuyển và hạ tầng đường sắt cũng từng bước được nâng cấp tốt hơn. Tất cả những điều đó chắc chắn khiến hình ảnh đường sắt hấp dẫn hơn nhiều trong mắt hành khách. Đã đến lúc đường sắt tăng tốc cạnh tranh sòng phẳng với đường bộ và các lĩnh vực khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận