Thông tin về tình hình giải ngân các dự án ODA giao thông, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, tính đến hết tháng 11/2022, các dự án ODA đã giải ngân 3.709 tỷ đồng (68,2%).
Kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng, tập trung ở 8 dự án cần giải ngân lớn (hơn 1.300 tỷ đồng).
Khối lượng giải ngân của các dự án ODA giao thông trong hai tháng cuối năm tài chính còn tương đối lớn - Ảnh minh họa.
Cụ thể, hai dự án do Ban QLDA Mỹ Thuận phụ trách, gồm: dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cần giải ngân thêm 350 tỷ đồng; Dự án tuyến nối QL91 - tránh Long Xuyên phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Hai dự án do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư, gồm: Dự án kết nối giao thông phía Bắc phải giải ngân 211 tỷ đồng; Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cần giải ngân 296 tỷ đồng.
Dự án VRAMP do Ban QLDA 3 - Cục Đường bộ Việt Nam cần giải ngân thêm 109 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải giải ngân 98 tỷ đồng; Dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ phải giải ngân 92 tỷ đồng.
Tìm hiểu của PV, tính đến hết tháng 11/2022, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một trong những dự án có tiến độ giải ngân tương đối chậm.
Lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn là 346 tỷ đồng (đạt 85,5% kế hoạch), chậm khoảng 14,5% (xấp xỉ 59 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ thi công chậm khoảng 10% so với kế hoạch (sản lượng lũy kế đạt 63%).
Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Đường thủy chỉ đạo các nhà thầu tăng mũi thi công, có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung, thay thế nhà thầu thi công nếu không đáp ứng tiến độ.
Đối với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11/2022 là gần 297 tỷ đồng (đạt 45,9% kế hoạch), chậm khoảng 54,1% (350 tỷ đồng) do thủ tục lựa chọn nhà thầu liên quan đến Nhà tài trợ EDCF kéo dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận