Địa phương rốt ráo vào cuộc
Ninh Bình là địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), tính đến ngày 23/4 đã bàn giao được 12,7/15,2 km.
Tại huyện Yên Khánh, ông Vũ Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn có 700 hộ dân bị ảnh hưởng, 185 hộ phải di dời tái định cư, 200 ngôi mộ phải di chuyển. Tính đến nay, chỉ còn 40 hộ đang thực hiện áp giá đền bù, phấn đấu đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành dứt điểm. Mặc dù vậy, người dân vẫn đang trăn trở vì việc tổ chức tái định cư còn chậm. Trong 180 hộ mới có 14 hộ được giao đất ở, phần lớn số hộ còn lại phải ở trọ, ở nhờ.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Tiến độ GPMB của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đang được các địa phương triển khai tốt, không ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tuy nhiên, các địa phương cần sớm hoàn thành toàn bộ công tác GPMB để giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ. Hơn nữa, khi các dự án PPP được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển sang hình thức đầu tư công, có mặt bằng sạch sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai, hạn chế tăng tổng mức đầu tư của các dự án”.
Ông Trịnh Văn Thảo, một người dân ở xã Khánh Hòa cho hay: “Tôi đã tháo dỡ ngôi nhà ba tầng để bàn giao mặt bằng gồm 375m2 đất thổ cư và 2.000m2 đất sản xuất nông nghiệp phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, đến nay phải ở nhờ nhà bố vợ do khu tái định cư chưa xây dựng xong”. Cũng vì tâm lý “chưa an cư thì chưa thể lạc nghiệp” nên không ít hộ dân hiện vẫn chưa tháo dỡ nhà ở để bàn giao mặt bằng.
Theo báo cáo của Sở GTVT Ninh Bình, tiến độ xây dựng khu tái định cư Khánh Hòa bổ sung mới đang chấm thầu tư vấn, còn rất nhiều bước tiếp theo. UBND huyện Yên Khánh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, đồng thời có phương án tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trước để thi công dự án.
Tại Nam Định, khu vực đường gom bên phải đoạn Cao Bồ - Mai Sơn chạy qua huyện Ý Yên còn vướng nhiều ngôi mộ, khu vực hầm chui Mễ Thượng, cầu Cẩm vướng nhiều nhà dân chưa GPMB.
Ông Đỗ Thành Trung, Phó giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị thi công dự án cho biết: Đơn vị bố trí hơn 30 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, hơn 1.000 công nhân cùng nhiều thiết bị máy móc bảo đảm thi công liên tục. Song với vướng mắc trên, tiến độ luôn bị ảnh hưởng, có thời điểm phải ngừng thi công.
Còn tại Thanh Hóa, dự án cao tốc Bắc - Nam gồm 3 dự án thành phần qua địa phận TP Thanh Hóa và 8 huyện với tổng chiều dài 104,243km, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 9.168 hộ. Hiện tại, tỉnh đã hoàn thành GPMB phần đất nông nghiệp được 6.301/6.836 hộ, đạt 92,2%, trong khi một số huyện chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân do một số hộ chưa đồng thuận giá đền bù; các khu tái định cư ở nhiều địa phương chưa hoàn thiện khiến người dân chậm trễ giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GVT Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB để đảm bảo hoàn thành toàn bộ phần đất nông nghiệp trước ngày 30/5, hoàn thành phần đất ở, đất khác trước ngày 30/6.
Hỗ trợ dân tiền thuê nhà, dành đất phục vụ dự án
Tại Nghệ An, nơi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua có chiều dài khoảng 87,84km (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt), số vốn đã cấp cho địa phương là 1.891 tỷ đồng (tổng vốn được duyệt 2.191 tỷ đồng). Đến nay, các địa phương đã chi trả cho người dân 763,7 tỷ đồng tiền bồi thường. Chiều dài tuyến đã giải phóng là 68/87km tương đương 77% (chủ yếu là đất nông nghiệp).
Theo kế hoạch, trước ngày 30/4 các địa phương bàn giao xong đất nông nghiệp; ngày 30/6 phải xây dựng xong khu tái định cư và bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/8. Tuy nhiên, đến nay cả 6 huyện, thị xã của tỉnh này đều đang gặp khó trong công tác GPMB, đặc biệt là xây dựng các khu tái định cư.
Ngày 27/4, có mặt tại khu đất rộng gần 3ha ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chỉ tay về những ruộng lúa nằm gần QL48E, kỹ sư Phùng Ngọc Tú, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Nghi Lộc cho biết, khu đất này sẽ là 1 trong 2 khu tái định cư của dự án. Thế nhưng, theo ghi nhận, toàn bộ khu đất vẫn là ruộng, chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc triển khai thi công. Kỹ sư Tú lý giải: “Đầu tháng 4 vừa rồi chúng tôi mới lựa chọn xong nhà thầu. Hiện, công binh đang tiến hành rà phá bom mìn để chuẩn bị thi công. Lý do bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra là do phải điều chỉnh quy mô dự án. Hiện, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng hết sức để đẩy nhanh tiến độ xây dựng”.
Tại huyện Hưng Nguyên, ông Hồ Sỹ Hiếu, Trưởng ban QLDA Đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết: Địa phương mới tiến hành ký hợp đồng xây lắp đối với 2/14 khu tái định cư, 4 khu đang lựa chọn nhà thầu, còn lại vẫn đang trong quá trình thẩm định, báo cáo kinh tế kỹ thuật. Theo tiến độ trình duyệt thì có nhanh cũng phải giữa tháng 5 mới có thể đấu thầu, tháng 6 thi công. Tuy nhiên, điều khiến ông Hiếu lo ngại không phải là tiến độ xây dựng mà là việc người dân có chịu chuyển ngay sang nơi ở mới hay không.
Ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT, thành viên Ban chỉ đạo GPMB tỉnh Nghệ An cho biết: Mặc dù việc xây dựng các khu tái định cư bị chậm hơn so với kế hoạch nhưng nếu các địa phương nỗ lực hết sức thì vẫn có thể đáp ứng yêu cầu bàn giao 95% mặt bằng vào tháng 8. Để thực hiện được mục tiêu này thì các địa phương phải tiếp tục nỗ lực, trường hợp cấp bách tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ người dân tiền thuê nhà, dành đất phục vụ dự án.
Tại Hà Tĩnh, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Đức Thọ dài 4,9km. Tổng diện tích GPMB là 32,27ha với 475 hộ dân trên địa bàn 3 xã bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 4/2020, huyện đã tiến hành bồi thường và GPMB được 21,32/29,78ha đất nông nghiệp, còn lại 8,46ha. Hai khu tái định cư đến nay đã thi công được khoảng 80% khối lượng.
Ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Đức Thọ cho biết, công tác bồi thường GPMB còn chậm và chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra là do còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Hội đồng. Một số văn bản của UBND tỉnh mới có hiệu lực nên việc áp giá bồi thường còn một số vướng mắc. Công ty Viễn thông Đức Thọ chưa thực sự phối hợp…
Tăng tốc bàn giao mặt bằng các đoạn cao tốc phía Nam
Trên địa bàn 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai có 3 phân đoạn cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay, các địa phương đang rốt ráo bàn giao mặt bằng ngoài thực địa và triển khai xây dựng các khu tái định cư.
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhà đầu tư đang bám sát địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB. Theo Ban QLDA 85 (đại diện nhà đầu tư), với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến đầu tháng 4/2020 đã bàn giao được 52,27/61,5km (đạt khoảng 85%).
Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận, đến đầu tháng 4 đã tổ chức chi trả cho các hộ dân ảnh hưởng với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường 1.046/1.207 hộ. Để phục vụ dự án, tỉnh phải xây dựng 2 khu tái định cư, trong đó 1 khu đang thi công, 1 khu đang tổ chức đấu thầu.
Tại Bình Thuận có 3 phân đoạn gồm: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây hiện công tác GPMB đang được triển khai rốt ráo. Đến giữa tháng 4/2020, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.401/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,5%. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt hơn 1.383/2.018 tỷ đồng.
Diện tích mặt bằng tỉnh Bình Thuận đã bàn giao cho các Ban QLDA của Bộ GTVT gồm: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bàn giao đạt 91/%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết 90%. Phan Thiết - Dầu Giây 87%. Để phục vụ xây dựng 3 tuyến cao tốc nêu trên tỉnh đang thi công đồng loạt 5 khu tái định cư và đang hoàn thiện thủ tục để di dời hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi các dự án.
Còn với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài khoảng 99km, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km, diện tích đất thu hồi khoảng 395ha của 884 hộ. Dự kiến trong tháng 6/2020, Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để thi công.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Thủ tướng có Công điện 442 về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ GPMB phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này, cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong quý II/2020. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện hoàn thành 114 khu tái định cư trong quý II/2020 theo yêu cầu để di dời các hộ dân vào khu tái định cư.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh, gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.
Trong đó, kinh phí GPMB của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.
Sớm có mặt bằng sẽ hạn chế được đội vốn đầu tư
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói: “Công tác GPMB của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đang được các địa phương triển khai rốt ráo, không ảnh hưởng đến tiến chung của các dự án.
“Các địa phương cần sớm hoàn thành toàn bộ công tác GPMB để giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ. Hơn nữa, khi các dự án PPP được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển sang hình thức đầu tư công, có mặt bằng sạch sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai, hạn chế tăng tổng mức đầu tư của các dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đến nay, 13 địa phương có dự án đi qua đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng được 457,5/653,6km (đạt 70%).
Tuy nhiên, tính đến ngày 15/4/2020, hầu hết địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; Bồi thường đất ở đang trong giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư như: Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang… Khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời.
“Việc xây dựng khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng, quyết định tiến độ GPMB phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao khoảng 30% của dự án. Vì vậy, nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong quý II/2020”, Thứ trưởng Nhật cho biết.
Đình Quang
Bao giờ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, hiện Tập đoàn đang có các tuyến cáp viễn thông đặt tại 11 tỉnh mà dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông báo cụ thể từ địa phương xem hạng mục nào ở vị trí nào thuộc diện phải di chuyển. “Từng đơn vị VNPT sẽ làm việc với từng tỉnh nơi dự án đường cao tốc đi qua để xác minh số liệu. Trên kế hoạch các địa phương giao cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nghiêm túc triển khai”, vị này cho hay.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, vẫn đang trong quá trình rà soát, phối hợp với các doanh nghiệp tại địa bàn để báo cáo. Do số liệu và các đơn vị không được nêu một cách cụ thể nên Petrolimex cũng đang yêu cầu những đơn vị tại những tỉnh có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tổng hợp thông tin và báo cáo lại sớm nhất.
Theo một đại diện EVN, việc GPMB hoàn toàn do địa phương, khi chính quyền yêu cầu di dời thì điện lực địa phương hoặc Tổng công ty truyền tải (phụ trách đường dây 220kv hoặc 500kv) phải có phương án địa điểm di dời do chính quyền địa phương lập, ngành điện chỉ thực hiện chứ không có quyền quyết định.
PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận