Chuyện dọc đường

Tăng trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng

01/11/2017, 07:40

Mặc dù đã nhiều lần được đề cập, song đến nay, vấn đề phá sản ngân hàng mới chính thức được đưa vào Luật...

mo-tai-khoan-ngan-hang-bidv-0

Ảnh minh họa

Tuy còn một số quan điểm lo ngại với việc cho phá sản ngân hàng, song phần lớn các chuyên gia kinh tế, tài chính đều cho rằng, điều đó là tất yếu. Bởi lẽ, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng phải vận hành đúng quy luật thị trường, tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến mọi quyết định, hoạt động, kết quả của mình. Chỉ khi sòng phẳng giữa quyền lợi với nghĩa vụ, những người đứng đầu ngân hàng sẽ buộc phải có trách nhiệm, trách nhiệm đến cùng với từng đồng vốn người dân, doanh nghiệp gửi gắm. Thực tế là không ít ngân hàng có sở hữu chéo đi huy động vốn của dân để đổ vào doanh nghiệp của mình. Trong trường hợp đó, hồ sơ vay vốn được xét duyệt dễ dãi, bất kể phương án kinh doanh, trả nợ có khả thi không, dẫn đến nguy cơ nợ xấu rất cao. Song, ông chủ ngân hàng, cũng là chủ doanh nghiệp vẫn chọn ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp, vì đó là “đồng tiền bát gạo” của mình, lỡ thua lỗ, phá sản là mất “tiền tươi thóc thật”, trong khi ngân hàng, chẳng may “có mệnh hệ gì” thì đã có Nhà nước “chống lưng”. Và tình trạng này không phải cá biệt, nhất là một vài năm về trước, điển hình có trường hợp ngân hàng cho vay nội bộ tới 40%. Hệ lụy là không ít ngân hàng lao đao vì nợ xấu, bên bờ vực thua lỗ, gây tác động tiêu cực đến cả hệ thống.

Nếu quy định về việc phá sản ngân hàng được thực thi, không chỉ phía ngân hàng, bản thân người gửi tiền cũng phải tăng trách nhiệm với chính “đồng tiền bát gạo” của mình. Người gửi tiền sẽ phải tìm hiểu kỹ càng nhiều tiêu chí trước khi “chọn mặt gửi tiền”, thay vì chỉ nhắm vào yếu tố lãi suất. Khi đó, các ngân hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn nữa và buộc phải đầu tư, nâng cao chất lượng mọi mặt thay vì lấy lãi suất cao “dụ” khách. Không chỉ cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau, hệ thống ngân hàng cũng buộc phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản, vàng… Và tất cả những điều đó sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hơn cho toàn hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, để người dân, doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn kênh đầu tư, việc công khai, minh bạch thông tin hoạt động, hiệu quả của ngân hàng là yêu cầu bắt buộc. Bởi như hiện nay, quy định công bố thông tin định kỳ theo quý chỉ mới áp dụng với các ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong khi đại đa số ngân hàng còn lại dè dặt, chậm trễ trong thông tin về “sức khỏe” của mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, đặc biệt là bộ phận thanh tra, giám sát cũng phải tăng trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng báo cáo cũng như chất lượng ngân hàng nói chung, góp phần đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Bên cạnh đó, việc phá sản ngân hàng cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, sau khi đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không thành công. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu nâng mức bảo hiểm tiền gửi thay vì đề xuất tối đa chỉ 75 triệu đồng như hiện nay. Có như vậy, việc phá sản ngân hàng mới tạo được sự đồng thuận của cả ngân hàng, khách hàng, tránh được những hệ lụy tiêu cực. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.