Chuyện dọc đường

Tạo cơ chế để dân được giám sát

10/08/2017, 06:09

Trong câu chuyện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, kể cả khi công khai thông tin người dân chưa chắc...

2

Số tiền thu thực tế mỗi ngày của trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cao gấp 3 lần số thu chủ đầu tư báo cáo - Ảnh: Khánh Linh

Trong câu chuyện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, kể cả khi công khai thông tin người dân chưa chắc đã nắm được thực chất vấn đề của thu hồi vốn của các dự án BOT mà chỉ thông qua việc cơ quan chức năng công bố kết luận kiểm tra, giám sát, kiểm toán, quyết toán, người dân mới hiểu rõ. 

Nguyên nhân của sự không minh bạch là nhà đầu tư chây ỳ không thực hiện chủ trương áp dụng công nghệ tự động mà vẫn “tù mù”, thiếu minh bạch do các trạm BOT vẫn thu giá theo phương pháp thủ công.

Theo tôi, để người dân giám sát được việc thu giá sử dụng đường bộ tại các trạm BOT, các thông tin liên quan như thời gian thu, doanh thu hàng ngày đến hàng năm phải công khai minh bạch. Điều quan trọng nhất là khi cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, quyết toán dự án cũng phải được công khai kết quả cho người dân biết thực trạng của công tác thu giá sử dụng đường bộ tại các trạm BOT. Cũng từ kết quả công bố này, các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia cũng như người am hiểu cùng giám sát, phản biện giúp cho hoạt động liên quan đến thu giá sử dụng đường bộ lành mạnh hơn.

Bên cạnh giải pháp này, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp khác, phải có nhiều cơ quan chức năng thuộc các lĩnh vực khác nhau từ tài chính, công nghệ thông tin cùng vào cuộc giám sát, kiểm tra tính chuẩn xác thông tin được nhà đầu tư BOT công khai trên bảng điện tử. Hay nói cách khác phải để cho toàn xã hội cùng tham gia giám sát, tránh những câu chuyện như trong xăng, dầu khi người ta chủ động gian dối bằng việc gắn chip lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thanh, kiểm tra, hàng quý, hàng năm, nhất là cơ quan kiểm toán phải vào cuộc và công khai kết quả kiểm toán với người dân.

Đất nước vẫn rất cần những dự án giao thông BOT. Vì thế, những lỗ hổng chính sách của dự án giao thông BOT không thể vá víu một cách tạm bợ, mà phải được xử lý bài bản để có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Phải có cách quản lý, cơ chế chính sách thực thi tốt, tránh những lỗ hổng, thất thoát, gian dối của nhà đầu tư. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách để khắc phục những tồn tại. Đồng thời, phải quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm.  

Liên quan đến trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, mức giá, cần giải quyết tận gốc vấn đề, nghĩa là vị trí đặt trạm phải hợp lý. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giám sát chặt quá trình triển khai dự án; công tác quyết toán dự án vừa phải nhanh, vừa phải thật chuẩn để cho ra được thời gian thu và mức thu chính xác. Và người dân - người thanh toán cuối cùng cho dự án cần có cơ chế để họ có thể kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và khai thác dự án.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.