Người dân trực tiếp trả tiền nên rất cần được biết những thông tin như thời gian thu, mức thu... của dự án BOT - Ảnh: Ngọc Hùng |
Tổng cục Đường bộ VN vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý đường cao tốc phải lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ về tổng mức đầu tư, thời gian thu, mức thu, số tiền thu được hàng ngày... để người dân giám sát.
Không để nhà đầu tư giấu thông tin
Đề cập vấn đề công khai việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ , PGS.TS. Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, trường Đại học GTVT (Hà Nội) cho rằng, không thể phủ nhận các dự án BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng chỉ ra những bất cập tại nhiều trạm BOT hiện nay đang khiến người dân bức xúc và đòi hỏi phải có sự minh bạch trong việc công bố số tiền thu được hàng ngày.
Trước đó, đầu năm nay, Tổng cục Đường bộ VN có văn bản báo cáo Bộ GTVT việc kiểm tra, giám sát công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với Trạm thu giá Km152+080 QL1 dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang quản lý và khai thác. Theo Tổng cục Đường bộ VN, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện liên tục trong 10 ngày, từ 13h30 ngày 16/12/2016 đến 13h30 ngày 26/12/2016, gồm các nội dung: Giám sát việc xuất, thu hồi vé và số thu từng ca; giám sát hệ thống thiết bị phòng hậu kiểm; giám sát ngoài cabin. Kết quả, sau 10 ngày, số thu giá sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là 10,99 tỷ đồng, bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày, tăng 8,27% (tương đương 84 triệu đồng) so với mức bình quân ngày của 6 tháng trước đó (1,015 tỷ đồng).
"Hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng đường bộ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý, vận hành độc lập với các hệ thống quản lý, thu giá của các nhà đầu tư BOT. Cơ sở dữ liệu liên quan đến lưu lượng, chủng loại xe... sẽ được truyền từ các trạm của nhà đầu tư BOT về trung tâm giám sát để giám sát, quản lý công tác thu giá sử dụng đường bộ ”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
“Doanh nghiệp dự án phải báo cáo giải trình sự chênh lệch về mức thu bình quân/ ngày của 10 ngày kiểm tra, giám sát tăng 8,27% so với mức thu bình quân ngày của 6 tháng trước đó”, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu.
Theo TS Từ Sỹ Sùa, chủ đầu tư BOT bên cạnh việc phải công khai dự án, còn phải công khai cả thời gian thu, mức thu, số tiền thu được qua từng quý, từng tháng, từng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm BOT để người dân kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, việc công khai thông tin dù đã có chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng chủ đầu tư vẫn tìm cách né tránh không công bố. “Yếu tố lợi ích là lý do khiến chủ đầu tư cũng như các cơ quan chủ quản cố tình trì hoãn, dây dưa không muốn áp dụng, cố tình chậm áp dụng công nghệ ETC trong thu giá sử dụng đường bộ ”, ông Sùa khẳng định.
Ở góc độ người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn OtoFun cho rằng, cơ chế thị trường là người bán và người mua cùng thống nhất với nhau một điểm. Dự án BOT giao thông cũng vậy, người trực tiếp trả tiền là người dân, họ cần được tham gia giám sát. Hạ tầng giao thông xét cho cùng là của dân. Dự án thu bao nhiêu năm, hoàn vốn thế nào đều phải minh bạch. Từ trước đến nay, những thông tin về số tiền thu được hàng ngày của các trạm BOT hầu như không được công khai, người dân không được biết. “Người dân cần phải biết, tổng mức đầu tư dự án, thu hoàn vốn bao nhiêu năm, doanh thu từng tháng, quý, năm, dự án còn thời gian bao nhiêu năm...”, ông Thắng nói.
Số tiền thu thực tế mỗi ngày của trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cao gấp 3 lần số thuchủ đầu tư báo cáo - Ảnh: Khánh Linh |
Giám sát từng đồng
Để công khai, minh bạch thu giá sử dụng đường bộ tại các trạm BOT với người dân, Tổng cục Đường bộ VN vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý đường cao tốc phải lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo đúng quy định Thông tư 49 của Bộ GTVT. Bảng điện tử phải thể hiện đầy đủ các thông tin: Tổng mức đầu tư, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, những thông tin mà nhà đầu tư công bố cần được cơ quan quản lý kiểm tra chặt chẽ, nếu không họ công bố sai thông tin về doanh thu cũng khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cần có bên cung cấp dịch vụ thu tiền qua trạm BOT tự động thì người dân mới tin. “Để tạo sự đồng thuận trong việc đầu tư các dự án BOT giao thông, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư BOT phải đứng trên quyền lợi của người dân, thông tin thu giá sử dụng đường bộ phải minh bạch. Chúng tôi không ngại trả tiền nhưng vì BOT cũng như món hàng, chúng tôi phải được giám sát chất lượng món hàng đó. Việc giám sát thông tin mà nhà đầu tư công khai có đúng không là vấn đề mấu chốt mà người dân quan tâm”, ông Thắng phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng đề xuất, bán vé thủ công hiện nay tại các trạm BOT cũng là vấn đề nhạy cảm. Nếu vẫn còn thu theo thủ công sẽ khó tránh khỏi tiêu cực. Để xác minh thông tin của nhà đầu tư có chuẩn mực hay không cần có công cụ giám sát, bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, tự động hóa công tác thu để minh bạch trong quản lý, vận hành dự án BOT.
Trả lời những lo ngại trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đang đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng đường bộ nhằm minh bạch hóa doanh thu, có cơ sở dữ liệu đối chiếu, hậu kiểm nhà đầu tư. “Qua các đợt kiểm tra dự án BOT còn nhiều tồn tại làm ảnh hưởng đến sự chính xác của báo cáo doanh thu như sai lệch lưu lượng xe, loại xe, mệnh giá vé, xoay vòng vé. Thậm chí, dữ liệu báo cáo thu giá sử dụng đường bộ có thể bị can thiệp bởi con người và phần mềm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có cơ sở để đối chiếu xác minh báo cáo doanh thu của nhà đầu tư. Hình thức xác minh đối chiếu duy nhất hiện nay là khảo sát trực tiếp và kiểm tra hệ thống ghi hình camera tại trạm”, ông Huyện nêu vấn đề.
“Thông tư 49 quy định, thời gian lưu trữ video giám sát là 5 năm nên các cấp có thẩm quyền không đủ nhân lực để thanh kiểm tra do số lượng trạm thu giá sử dụng đường bộ lớn. Do đó, cần phải có hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu để kiểm soát chặt chẽ thời gian hoàn vốn của dự án, minh bạch hóa doanh thu, chi phí của dự án giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân cùng tham gia giám sát”, ông Huyện nói và cho biết, cơ quan quản lý nhà nước giám sát, nắm bắt tình hình, hiện trạng công tác thu tại từng trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ. Các thông số đầu vào liên quan đến phương án tài chính dự án, hỗ trợ công tác đối chiếu kiểm soát, đưa ra các so sánh về báo cáo doanh thu từ dữ liệu thu thập và báo cáo từ chủ đầu tư BOT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận