Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Hơn 30 nghìn tỷ đồng đã được huy động để đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ tại Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch 2016 - 2020 dự kiến cần thêm khoảng 65 nghìn tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên tại vùng đất vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, vừa có điều kiện phát triển nền kinh tế mở này.
Vị trí chiến lược về ANQP và phát triển kinh tế mở
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nằm ở trung tâm của Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Khu vực này có hệ thống giao thông liên hoàn với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ và có 554 km đường biên giới Lào và Campuchia, cùng các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như: Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội... Do vậy, Tây Nguyên vừa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, vừa có điều kiện phát triển nền kinh tế mở.
Vận tải đường bộ hiện đóng vai trò quan trọng nhất tại Tây Nguyên với hệ thống các tuyến đường có chiều dài khoảng 32.220 km. Trong đó, quốc lộ khoảng 2.100 km, bao gồm: Hai trục dọc đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ), QL14C chạy dọc biên giới; các tuyến quốc lộ ngang gồm: 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B và 55; Tỉnh lộ khoảng 2.030 km. Còn lại là đường giao thông nông thôn khoảng 25.600 km, đường đô thị khoảng 1.840 km và đường chuyên dùng khoảng 650 km. Ngoài ra, khu vực này còn có đường Trường Sơn Đông dài khoảng 670 km.
Về hàng không, Tây Nguyên có ba cảng hàng không lớn là: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên phân bổ tương đối hợp lý, kết nối thuận lợi các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, cũng như đến các cửa khẩu quốc tế Lào, Campuchia, các cảng biển quan trọng.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã phê duyệt “Phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Đây là căn cứ, định hướng quan trọng để đầu tư, phát triển các công trình giao thông quốc gia và địa phương một cách đồng bộ.
Tổng số vốn đã bố trí và huy động cho các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ khu vực Tây Nguyên giai đoạn năm 2011 - 2015 khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 9 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến cần huy động khoảng 65 nghìn tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên có chiều dài khoảng 1.380km (QL14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang gấp rút hoàn thành - Ảnh: Hoàng Tuyết |
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vượt tiến độ một năm
Giai đoạn từ năm 2011- 2015, ngành GTVT đã ưu tiên đầu tư toàn bộ trục dọc số 1 đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên dài 663km, đi qua bốn tỉnh: Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành 110 km (đoạn Đắk Giôn - Tân Cảnh). Giai đoạn 2 đoạn Tân Cảnh - Chơn Thành dài 553km, với tổng mức đầu tư 16.828 tỷ đồng, đã và đang được đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và hình thức BOT.
Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện huy động các nguồn lực tối đa, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác GPMB và nguồn cung cấp vật liệu kịp thời. Đến nay, đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc, phấn đấu đến 30/6 hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ 420 km còn lại.
Như vậy, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) đã vượt tiến độ trước một năm theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm ANQP và giảm thiểu TNGT trên địa bàn Tây Nguyên, tiết kiệm thời gian đi lại của nguời và phương tiện tham gia giao thông.
QL20 dài 268 km là trục giao thông chính nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam bộ, đến nay đã hoàn thành khoảng 149 km với tổng mức đầu tư hơn 9 nghìn tỷ đồng. Các đoạn còn lại đang được triển khai đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT, có chiều dài khoảng 124 km, với tổng mức đầu tư hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, khởi công năm 2014, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2016.
Như vậy, toàn tuyến QL20 sẽ hoàn thành đầu tư 268 km đạt tiêu chuẩn cấp III và cấp IV, tạo tiền đề quan trọng phát triển TP Đà Lạt - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia của khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành quốc gia.
Hết năm 2015, 320 km tại các tuyến QL14C, 19, 24, 25, 27, 28 với tổng mức đầu tư hơn 7,1 nghìn tỷ đồng cũng sẽ hoàn thành. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 huy động được khoảng 28.440 tỷ đồng, trong đó T.Ư hỗ trợ khoảng 14 nghìn tỷ đồng và đạt mục tiêu 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Riêng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài khoảng 200 km, tổng mức đầu tư khoảng 64 nghìn tỷ đồng, hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phân kỳ đầu tư để đưa vào khai thác năm 2020. Dự kiến, sẽ đầu tư BOT đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương. Đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ưu tiên các tuyến huyết mạch, đột phá phát triển giao thông
Đoạn đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum - Gia Lai mới khánh thành đẹp như dải lụa |
Mặc dù đã được ưu tiên tập trung đầu tư, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Trong các năm tới (giai đoạn đến năm 2020), Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ, ngành liên quan triển khai rà soát, với quan điểm ưu đầu tư phát triển đồng bộ, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch có tính đột phá, có vai trò động lực tránh dàn trải, cục bộ địa phương.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên QL14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với chiều dài 1.380 km, tổng số nhu cầu vốn khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, do khả năng vốn ngân sách và Trái phiếu Chính phủ rất eo hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư, nên thời gian tới, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án Đánh giá thực trạng hệ thống giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù huy động nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận giai đoạn năm 2015 - 2020.
Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn cũng sẽ phấn đấu 100% đường huyện, 70% đường xã được cứng hóa mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V; đường xã đạt tiêu chuẩn cấp VI; 50% đường thôn xóm được cứng hóa mặt đường, đạt loại A trở lên; tối thiểu 50% trục chính đường nội đồng được cứng hóa mặt đường.
Đối với đường sắt, định hướng đến năm 2030, nghiên cứu, xây dựng đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên phục vụ khai thác, sản xuất alumin - nhôm và kết nối với các cảng biển, dài khoảng 907 km gồm đoạn Đắk Nông - Chơn Thành (kết nối với đường sắt xuống cảng Thị Vải, phục vụ khai thác bôxít) dài 67 km; Đoạn Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài 169 km; Đoạn Đắk Nông - Bình Thuận 121 km và Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài 550 km. Cùng đó sẽ nghiên cứu khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km.
Đối với đường thủy, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu khai thác giao thông đường thủy nội địa các sông Sê San, Sêrêpốk và các hồ nước do các đập thủy điện tạo ra phục vụ vận tải và du lịch.
Về hàng không, theo quy hoạch, đến năm 2025, ba cảng hàng: Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột sẽ đạt công suất 4 triệu hành khách/năm, tổng diện tích khoảng 1.100 ha, đảm bảo khai thác các loại tàu bay A320/321. Riêng cảng hàng không Pleiku đang được nâng cấp để khai thác tàu bay A320/321. Nghiên cứu phát triển Cảng hàng không sân bay Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế vào thời điểm thích hợp khi có nhu cầu.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị cũng sẽ được phát triển hợp lý, nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến tránh đô thị Pleiku, Buôn Hồ, Bảo Lộc, Kon Tum, tổ chức tốt vận tải hành khách công cộng, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc và TNGT.
Ủy viên BCH T.Ư Đảng
Bộ trưởng Bộ GTVT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận