Ngày 26/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long, có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan.
Trong số 6 người bị khởi tố trong vụ án này có ông Nguyễn Văn Hậu (còn gọi Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, SN 1981), Nguyễn Thị Hằng (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn). Nhóm này bị cáo buộc có hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Chủ đầu tư loạt dự án nghìn tỷ
Ông Nguyễn Văn Hậu thành lập Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Phúc Sơn năm 2004, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Đến tháng 8/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Sau 20 năm hoạt động, công ty của Hậu "Pháo" được biết đến là tập đoàn tư nhân có tiếng ở phía Bắc, tham gia đầu tư và thi công loạt dự án nghìn tỷ như dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp làm đường giao thông, đoạn qua địa phận huyện Vĩnh Tường có vốn đầu tư 1.559 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn còn rót tiền vào các dự án như Chợ đầu mối và khu đô thị Vĩnh Tường diện tích 186,49ha, vốn đầu tư 2.290 tỷ đồng; Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường); Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường có diện tích 30,2ha, vốn đầu tư 1.668 tỷ đồng; Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); Cụm công nghiệp Thổ Tang diện tích 36ha, vốn đầu tư 427 tỷ đồng; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149ha; Dự án Khu đô thị Bàu Giang (Quảng Ngãi) có diện tích 51,65ha, vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Phúc Sơn đầu tư dự án Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn sở hữu thửa đất số 680 – tờ bản đồ số 10 (xã Tam Phúc, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có diện tích 9.282m2. Tập đoàn này còn từng đề xuất thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đê tả Hồng kết hợp làm đường giao thông từ xã Vạn Yên (huyện Mê Linh) đến xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) theo hình thức hợp đồng BT.
Trong năm 2022, công ty đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An về dự án Khu đô thị Hưng Hoà 1 và Khu đô thị Hưng Hòa 2 tại xã Hưng Hòa, TP Vinh với quy mô hơn 200ha.
Vốn khủng nhưng lãi khiêm tốn
Năm 2004, doanh nghiệp của Chủ tịch Hậu "Pháo" có vốn ban đầu 129,8 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Văn Hậu (góp 109,789 tỷ đồng, 84,6%), bà Ngô Thị Thanh Nhàn (góp 15 tỷ đồng, 11,5%) và ông Nguyễn Thanh Tùng (góp 5 tỷ đồng, 3,9%).
Đáng chú ý, từ năm 2015-2017, Tập đoàn Phúc Sơn liên tục được bơm vốn, tăng mạnh lên mức 2.000 tỷ đồng. Riêng ông Nguyễn Văn Hậu góp 1.980 tỷ đồng (99% vốn điều lệ).
Theo tài liệu mới nhất vào tháng 5/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã giảm xuống còn 1.600 tỷ đồng.
Thời điểm liên tục tăng vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn cũng tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016-2019, từ mức 2.785 tỷ đồng lên 7.822 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của tập đoàn Phúc Sơn giai đoạn 2016-2019.
Trái ngược với quy mô tài sản và đà tăng vốn thần tốc, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Phúc Sơn lại sụt giảm mạnh theo thời gian. Từ năm 2016-2019, doanh thu của Phúc Sơn liên tục lao dốc, từ 516,4 tỷ đồng về còn 84,6 tỷ đồng, giảm gần 84%. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng về mức khiêm tốn 80 triệu đồng trong năm 2019.
Đặc biệt, năm 2020, nợ phải trả của tập đoàn Phúc Sơn đã lên đến 5.814 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu.
Nhiều lùm xùm tại các dự án BT
Những năm qua, tập đoàn của doanh nhân Hậu "Pháo"còn vướng lùm xùm tại các dự án ở Nha Trang. Doanh nghiệp này được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện các dự án các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang; Dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT. Nguồn vốn thanh toán cho các dự án này là quỹ đất thuộc Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang.
Giữa năm 2021, Thanh tra Chính phủ công bố thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan các dự án trên. Theo kết luận, 3 dự án trên có những vi phạm như: Không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 (thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27%); Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện lên thêm 30 tháng.
Không chỉ vậy, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án lên 499,202 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng 3 dự án BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị dự án BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn là 73,49 tỷ đồng, vi phạm về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu.
Tính đến tháng 8/2022, tổng tiến độ 3 dự án BT chỉ đạt khoảng 38%, tổng chi phí đầu tư là 1.284 tỷ đồng.
Đối với nút giao thông Ngọc Hội, đến nay Phúc Sơn vẫn chưa nhận được mặt bằng nhánh phía Bắc (N4) nên chưa lên kế hoạch thi công. Tính đến ngày 25/8/2023, tổng chi phí Phúc Sơn đã đầu tư dự án là 772 tỷ đồng.
Một dự án khác tại Nha Trang của Phúc Sơn là Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang cũng bị truy thu số tiền gần 12.000 tỷ đồng.
Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án trên với số tiền 11.994 tỷ đồng. Khoản tiền truy thu được dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Thông báo số 680 năm 2019 và văn bản mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận