Chính trị

Tàu bay lạ uy hiếp an toàn bay VN: Ba điểm bất thường

09/01/2016, 14:05

Chủ tịch TCT Quản lý bay trao đổi với PV về hoạt động của tàu bay lạ trong FIR Hồ Chí Minh.

may-bay-trung-quoc-truong-sa
Máy bay Trung Quốc ngang ngược hạ và cất cánh trên Đá Chữ Thập (Trường Sa, Việt Nam)

 Theo dõi mục tiêu lạ để hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc phòng

Tổng công ty Quản lý bay VN là cơ quan đầu tiên phát hiện những tàu bay lạ hoạt động tại vùng đảo Trường Sa của Việt Nam trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Vậy xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?

Cơ quan điều hành bay hàng ngày theo dõi hoạt động bay trong vùng trách nhiệm. Do đó, tất cả các mục tiêu lạ xuất hiện trong vùng kiểm soát điều hành bay của mình đều được TCT Quản lý bay, cụ thể là Trung tâm hiệp đồng điều hành bay và các trung tâm kiểm soát bay tại khu vực thông báo về các Trung tâm phối hợp hiệp đồng. Ngoài việc điều hành bay an toàn, TCT còn có trách nhiệm theo dõi các mục tiêu lạ để hỗ trợ cho việc đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tôi có thể khẳng định tất cả các mục tiêu lạ vừa qua hoạt động trong vùng biển Đông đều được Tổng công ty nắm bắt và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng.

Tôi cũng muốn nói rằng vùng thông báo bay do Việt Nam kiểm soát gồm 2 phần. Một là vùng trời trên lãnh thổ của mình, hai là vùng trời trên công hải quốc tế nhưng được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế giao cho Việt Nam đảm trách việc cung ứng dịch vụ điều hành bay.

Ong Thang khang dinh hoat dong cua cac may bay la
Ông Thắng khẳng định hoạt động của những máy bay lạ nói trên đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế về đảm bảo an toàn. 

Với các vùng trời đảm trách này, phía nhà cung cấp dịch vụ, cụ thể Tổng công ty Quản lý bay VN phải cung cấp dịch vụ điều hành bay cho tất cả các đối tượng hoạt động bay ở đây để đảm bảo an toàn.

Tàu bay lạ bay cắt ngang đường hàng không không phải tàu bay dân dụng

Những tàu bay lạ này hoạt động từ lúc nào thưa ông?

Các tàu bay này bắt đầu hoạt động trên vùng biển Đông từ 1/1/2016 và vẫn đang tiếp tục hoạt động.

Phải nhấn mạnh rằng các tàu này không phải là tàu bay dân dụng, không hoạt động theo quy trình bình thường của tàu bay dân dụng. Tàu bay dân dụng phải có tuyến đường và kế hoạch bay cụ thể còn tàu bay lạ này không đi theo đường hàng không, thậm chí còn cắt ngang đường hàng không ở những mực bay khác nhau.

Theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO, tàu bay hoạt động ngoài mục đích dân dụng thì phải gửi kế hoạch bay đến cơ quan điều hành bay. Thứ hai, trong quá trình bay phải bật mã code nhận dạng để cơ quan điều hành bay biết được các thông tin liên quan đến chuyến bay (như tốc độ, độ cao…) để tổ chức điều hành, đảm bảo khoảng cách an toàn với các tàu bay khác hoạt động trong khu vực và thứ ba là phải giữ liên lạc 2 chiều với cơ quan điều hành bay.

Tuy nhiên, các mục tiêu lạ trong thời gian vừa qua hầu hết đều bay từ khu vực đảo Hải Nam xuống khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lúc thì bay thấp, lúc bay cao, có lúc bay dưới mực bay tối thiểu, có lúc thì bay cắt ngang qua mực bay của hàng không dân dụng.

Các tàu bay này cũng không có kế hoạch bay gửi cơ quan điều hành bay. Trong quá trình bay có lúc bật mã code nhận dạng, có lúc không, hay nói cách khác là bật tắt mã code thất thường. Thứ ba, trong khi bay, họ không giữ liên lạc với cơ quan điều hành bay. Trong khi đó, 3 vấn đề này chính là 3 yêu cầu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đối với tất cả các hoạt động bay để đảm bảo an toàn.

Thực tế, theo quy định của ICAO thì các hoạt động bay này đều phải gửi kế hoạch từ trước, trong đó nêu rõ thời gian bay, lộ trình bay, loại máy bay, tốc độ bay, điểm đi, điểm đến… ICAO có hẳn một bảng mẫu cho loại này.

Ngoài ra, ICAO cũng quy định rõ trong quá trình thực hiện chuyến bay, tàu bay  phải bật mã code nhận dạng để cơ quan điều hành bay biết và nắm chắc các thông số của chuyến bay, từ độ cao đến tốc độ… để điều hành bay. Thứ hai, tàu bay phải giữ liên lạc hai chiều với điều hành bay để cơ quan này cung cấp thông tin cho máy bay cũng như thực hiện phương thức điều hành bay đảm bảo an toàn giữa các tàu bay với nhau.

Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng các tàu bay lạ xuất hiện trong thời gian vừa qua đều không thực hiện cả 3 yêu cầu này.

may--bay--trung-quoc--truong--sa-1915
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ảnh về hoạt động của các tàu bay Trung Quốc tại khu vực đảo đá chữ Thập, Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử).

Phía Quản lý bay đã làm gì để đảm bảo an toàn?

Khi những tàu bay này bay cắt qua các đường bay quốc tế cố định mà có bật mã code nhận dạng thì mình có thể căn cứ những mã code đó để theo dõi mực bay, tốc độ bay. Khi đó, chúng tôi sẽ phải tính toán giải pháp cho các máy bay đang bay cùng mực bay với họ bằng cách bay tránh hoặc thay đổi độ cao để tránh va chạm.

Tuy nhiên, đấy là khi họ bật mã code nhận dạng. Nếu họ cố tình tắt thì cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam đã có thư gửi ICAO về vấn đề này. Xin ông cho biết từ trước đến nay trên thế giới có trường hợp nào tương tự và phản ứng của ICAO như thế nào?

Trong những trường hợp tương tự, ICAO đã có những khuyến cáo đến các quốc gia có tàu bay lạ, đề nghị áp dụng các quy định trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng an toàn hàng không dân dụng là hết sức quan trọng. Tai nạn hàng không là vô cùng thảm khốc. Hoạt động của những máy bay nói trên đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế về đảm bảo an toàn.

Theo ông phía Việt Nam cần có những biện pháp gì trong trường hợp này?

Chúng tôi đã báo cáo lên Cục Hàng không VN, Bộ GTVT để có báo cáo kịp thời đến Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, cũng như gửi thông báo khuyến cáo Nhà chức trách hàng không của Trung Quốc về vấn đề này.

 Xin cảm ơn ông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.