Phương tiện thủy (còn gọi là đò) chở khách du lịch trên suối Yến, chùa Hương, Hà Nội. |
Thông tư liên tịch số 02 của Bộ GTVT - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch “Hướng dẫn về cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch” bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 15/5/2016.
Theo đó, đơn vị kinh doanh phải gắn biển hiệu “Phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch” tại nơi dễ thấy trên phương tiện. Biển hiệu do Sở GTVT cấp, chứa đựng thông tin: tên phương tiện, số phương tiện, giá trị thời hạn… Biển hiệu có giá trị 5 năm, mỗi biển hiệu chỉ được sử dụng cho 1 phương tiện.
Đơn vị kinh doanh gửi hồ sơ (giấy đề nghị cấp biển hiệu, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch…) đến Sở GTVT địa phương nơi kinh doanh để được cấp biển hiệu. Sở GTVT có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.
Thông tư cũng quy định người điều khiển phương tiện du lịch và nhân viên phục vụ phải qua lớp tập huấn và được cấp chứng chỉ về nghiệp vụ du lịch.
Cục Đường thủy nội địa VN được giao quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên phạm vi cả nước theo thẩm quyền.
Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy theo luật định.
Theo quy định về đăng ký phương tiện thủy, chủ phương tiện được đặt tên riêng cho tàu của mình, chỉ cần không trùng với tên phương tiện khác và phù hợp với văn hóa dân tộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận