Xã hội

Tàu hết đăng kiểm ngang nhiên khai thác cát trên sông Krông Ana

22/03/2023, 12:12
image

Những chiếc tàu cát hết đăng kiểm hơn 3 năm nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên sử dụng “đục khoét” dòng sông Krông Ana, hút cát.

Tàu hết đăng kiểm, vô tư hút cát

Một ngày trung tuần tháng 3, đi dọc sông Krông Ana đoạn giáp ranh giữa xã Yang Tao và Đắk Liêng (huyện Lắk, Đắk Lắk) tiếng máy tàu hút cát rền vang, nhả khói đen ngòm, liên tục chọc vòi khoan hút khiến cả đoạn sông đục ngầu.

img

Hai con tàu hết đăng kiểm hơn 3 năm nhưng Công ty VLXD Tây Nguyên và Công ty TNHH VLXD Sông Núi vẫn ngang nhiên sử dụng “đục khoét” dòng sông, hút cát. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo ghi nhận, hai con tàu số hiệu V47-000.77 - VR-170566.64 và V47-00014 - DL-0045 kẹp bên cạnh là giàn khoan liên tục quần thảo, đưa vòi khoan chọc thẳng xuống đáy sông. Theo quan sát, cát đá, bùn đất được hút đưa lên thiết bị sàng lọc, sau đó cát được ống dẫn chảy vào khoang tàu, còn bùn đất đổ lại xuống sông khiến cả khúc sông Krông Ana đục ngầu. Hai chiếc tàu cứ thế thi nhau “nuốt” cát, thoáng chốc những khoang tàu đã tràn trề. Sau đó, những con tàu di chuyển ngược dòng chảy đưa cát về bơm lên bãi tập kết ở phía cầu Giang Sơn, nằm bên quốc lộ 27.

Video: Tàu hết đăng kiểm ngang nhiên khai thác cát trên sông Krông Ana

Theo người dân địa phương, tình trạng tàu hút cát diễn ra “như cơm bữa”, hằng ngày mặc sức “oanh tạc” trên sông Krông Ana (huyện Lắk, Đắk Lắk) khiến bờ sông bị sạt lở từng ngày, nhiều diện tích đất của người dân dọc bờ sông cứ thế trôi theo dòng nước. Đặc biệt, những con tàu hút cát ở đây đều hết hạn đăng kiểm nhiều năm nay nhưng các doanh nghiệp vô tư sử dụng “đục khoét” dòng sông để lấy cát, không thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

img

Tàu mang số hiệu VR-170566.64, số đăng kiểm V47-000.77 thuộc Công ty TNHH VLXD Sông Núi, hết hạn đăng kiểm từ ngày 22/7/2020 nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo thông tin tra cứu từ Cục đăng kiểm Việt Nam, tàu mang số hiệu VR-170566.64, số đăng kiểm V47-000.77 thuộc Công ty TNHH VLXD Sông Núi, được Chi cục đăng kiểm số 5 cấp “Giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa”, nhưng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 22/7/2020”.

Đối với tàu có số hiệu V47-00014 - DL-0045 thuộc Công ty VLXD Tây Nguyên, được Chi cục đăng kiểm số 5 cấp “Giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa”, nhưng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 31/1/2020.

Chủ tàu “liều” hay có sự buông lỏng quản lý?

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 phương tiện thủy, với 127 phương tiện có gắn động cơ trên 15 sức ngựa (tàu khai thác, vận chuyển cát của 19 đơn vị, doanh nghiệp khai thác cát có sức chở từ 10m3 đến 200m3), còn lại là tàu thuyền có trọng tải, công suất nhỏ do người dân tự đóng hoặc thuê các cơ sở cơ khí đóng, lắp ráp để hoạt động phù hợp với địa hình tại địa phương.

img

Tàu có số hiệu V47-00014 - DL-0045 thuộc Công ty VLXD Tây Nguyên hết hạn đăng kiểm từ ngày 31/1/2020 nhưng vẫn ngang nhiên khai thác cát. Ảnh: Ngọc Hùng

Tuy nhiên, đa số các phương tiện chưa được đăng ký, quản lý, chỉ có số ít các phương tiện khai thác - vận chuyển cát có đăng ký, đăng kiểm nhưng đa số đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật (do Đắk Lắk chưa có cơ quan thẩm quyền để kiểm định phương tiện thủy, thường mời Chi Cục đăng kiểm số 5 đóng tại Khánh Hòa thực hiện đăng kiểm).

Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn đã được Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời, Công an tỉnh cũng đã có công văn tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, tổ chức thực hiện đăng ký, quản lý và hướng dẫn cơ quan quản lý giao thông cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định về quản lý phương tiện thủy nội địa.

img

Tàu hết đăng kiểm hoạt động hết công suất, "đục khoét" dòng sông Krông Ana. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, qua thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 phương tiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy. Trong đó, có 138 tàu thực hiện đăng kí, đăng kiểm nhưng có tới 69 phương tiện đã hết đăng kiểm năm 2020. Qua kiểm tra, có 66 tàu chuyên chở, hút cát nhưng chỉ có 11 tàu còn đăng kiểm, còn lại đã hết đăng kiểm.

Trung tá Lương Xuân Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đa số các tàu hết hạn đăng kiểm đều cấm hoạt động, nếu hoạt động đều trái quy định. Trong quá trình TTKS, lực lượng CSGT phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Theo đó, trong 6 tháng gần đây, qua công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến sông lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện 75 trường hợp vi phạm, với các lỗi như: Chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn; Không mặc áo phao; Không có Giấy chứng nhận điều khiển phương tiện… Đã lập biên bản xử phạt hành chính 10 trường hợp, với số tiền hơn 35 triệu đồng. Trong đó, đang phối hợp xác minh 4 vụ có dấu hiệu khai thác, vận chuyển cát trái phép”.

img

Con tàu "ăn no" cát di chuyển ngược dòng đưa cát về tập kết phía cầu Giang Sơn. Ảnh: Ngọc Hùng

“Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 500km đường sông, tuy nhiên nhiều đường sông giống như suối, manh mún không thông suốt nên việc tuần tra không liên tục được. Đặc biệt, Đắk Lắk đang mùa khô, dòng sông hầu như chia ra từng đoạn nước, tàu di chuyển khó khăn, mỗi ngày chỉ di chuyển được 1 đến 2 điểm. Sau đó, lại phải kéo tàu lên, tiếp tục thả đến điểm khác để thực hiện tuần tra nên rất vất vả.

Hơn nữa, địa bàn rộng, hẻo lánh và dòng sông không liên tục nên cùng một lúc không thể tuần tra, trải hết dòng sông. Trong lúc lực lượng CSGT làm chỗ này, tàu chạy chỗ khác thì khó phát hiện”, Trung tá Lương Xuân Ngọc nêu khó khăn và cho biết thêm những trường hợp tàu hết đăng kiểm khi phát hiện xử lý phải tạm giữ phương tiện. Nhưng quá trình tạm giữ phương tiện không thể kéo tàu lên bờ để cẩu đi được, hoặc đưa về nơi tạm giữ được. Hầu hết là lập biên bản, giao lại cho chủ tàu bảo quản ở bến và không được phép hoạt động.

“Tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, lực lượng CSGT đường thủy sẽ tăng cường công tác TTKS, rà soát các tàu hết đăng kiểm vẫn cố tình hoạt động để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm”, Trung tá Lương Xuân Ngọc khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.