Nhiều khách bay vẫn chờ vé rẻ
Dù đã có lịch nghỉ Tết từ khá lâu xong anh Đinh Hải Thuỷ (kinh doanh logistics tại TP.HCM) vẫn chưa đặt vé bay về Bắc.
"Vợ chồng chúng tôi vào Nam lập nghiệp, năm nào cũng về quê đón Tết cùng gia đình. Chúng tôi không có nhiều thời gian nghỉ Tết nên chắc sẽ chọn đi máy bay thôi. Tôi cũng không kỳ vọng sẽ mua được vé rẻ vì mình buộc phải đi đúng cao điểm Tết. Nhưng mấy nay lướt các trang bán vé trực tuyến thì thấy giá vẫn đang cao quá, hơn 7 triệu đồng một cặp vé khứ hồi TP.HCM - Nội Bài, nên đang chờ xem có cơ hội mua rẻ hơn chút nào không", anh Thuỷ nói và chia sẻ thêm: Chắc chúng tôi cũng không dám chờ lâu bởi "lỡ mà hết vé thì khổ".
Thực tế, việc vé máy bay tăng vọt dịp Tết cũng giống như chuyện "đến hẹn lại lên" bởi ai cũng biết có rất nhiều lý do để vé máy bay dịp này không thể rẻ, trong đó có việc hãng bay phải bù đắp chi phí do đặc thù "bay lệch đầu" (chiều từ Nam ra Bắc nhu cầu tăng vọt trước Tết trong khi chiều lại có nhu cầu rất thấp, thậm chí có chuyến bằng 0); nhu cầu tăng đột biến trong một số ngày cao điểm trong khi lượng cung có hạn…
Khảo sát trên một số kênh bán vé trực tuyến, ghi nhận của PV Báo Giao thông, giá vé máy bay khứ hồi cho chặng TP.HCM - Hà Nội (chặng nóng nhất) vào ngày 8/2/2024 (29 tháng chạp - ngày cầu của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) và chiều ngược lại ngày 14/2/2024 (mùng 5 tháng Giêng - ngày cuối nghỉ Tết) của Vietnam Airlines và Bamboo Airways cho thấy mức giá mở bán đều ở mức trên dưới 7 triệu đồng cho tất cả các khung giờ. Giá vé Vietjet có mềm hơn nhưng không đáng kể, xấp xỉ 6,5 triệu đồng/vé khứ hồi.
Đáng nói, giá vé dù đắt nhưng lượng vé đặt mua không nhiều. Rất nhiều chuyến bay trong ngày còn ghế trống.
Số liệu thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (chiều đi) mới đạt khoảng trên dưới 50%. Ở chiều ngược, con số này lại mới chỉ đạt khoảng 10%.
Chị Tam - nhân viên một đại lý vé máy bay tại Hà Nội - cho hay: Nhiều khách hỏi xong vẫn chưa muốn chốt vì họ kỳ vọng giá rẻ hơn. Tuy nhiên, theo tôi, rất khó có giá rẻ. Năm nào khách cũng chờ vé rẻ và lại thất vọng. Thậm chí đã nhiều người sát ngày mới quyết mua xong vé lại chẳng còn.
Liên quan đến thông tin vé máy bay đang đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường và đắt hơn cả vé Tết năm ngoái, chị Tam cho hay: Bán vé máy bay nhiều năm, bản thân tôi nhận thấy vé máy bay dịp Tết năm nào cũng cao chứ chẳng riêng gì năm nay. Chưa kể, tôi cũng không biết hành khách so sánh như thế nào để bảo vé đắt gấp đôi, gấp ba.
"Vé máy bay dịp Tết đắt hơn ngày thường là đương nhiên. Tuy nhiên, chẳng ai lại đi so sánh giá vé ngày cao điểm của cao điểm Tết với ngày thường. Chưa kể trong cùng một ngày còn có khung giờ cao điểm và thấp điểm, giá vé cũng đã rất khác nhau", chị Tam nói và nhấn mạnh: Nếu muốn so sánh, phải cùng một điều kiện, cùng một khung giờ, cùng một ngày cao điểm, cùng một hãng bay truyền thống hay giá rẻ…
Đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng nguồn cung; Theo dõi tình hình bán vé, đặt chỗ của các hãng hàng không dịp Tết Nguyên đán để có giải pháp bổ sung tải cung ứng vào các đường bay có nhu cầu cao, đáp ứng nhu cầu của hành khách…
Cơ quan này cũng vừa điều chỉnh tham số điều phối slot tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán năm 2024 từ ngày 25/1/2024 đến 24/2/2024 (31 ngày) để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đó, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không quyết định điều phối 44 slot/giờ (khung giờ ban ngày từ 6h00-23h55) và 40 slot/giờ (khung giờ ban đêm từ 0h00-5h55).
Như vậy, số lượng slot tăng thêm là 2.604, trung bình mỗi ngày tăng 84 slot. Tải cung ứng cũng tăng thêm 520.800 ghế, trung bình 16.800 ghế/ngày.
Tại Nội Bài, tham số điều phối sẽ tăng lên 40 slot/giờ. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng slot tăng thêm là 1.674, trung bình 54 slot/ngày. Tải cung ứng cũng tăng thêm hơn 334.000 ghế, trung bình 10.800 ghế/ngày.
Được biết, sau khi cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không "nới" slot, các hãng hàng không cũng đã có động thái tăng cường tàu bay.
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho hay để đáp ứng nhu cầu vận tải cao điểm Tết sắp tới, Vietnam Airlines sẽ thuê thêm 4 tàu bay. Trước đó, Bamboo Airways cũng đã công bố ký hợp đồng thuê hai tàu bay Airbus A320 và A321 để phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Âm lịch. Hai tàu bay này được thuê từ 1/1/2024 để nâng đội tàu lên 15-18 chiếc nhằm tập trung củng cố mạng đường bay nội địa. Đây cũng là lần đầu tiên Bamboo Airways bổ sung thêm tàu bay từ khi tái cơ cấu hồi giữa năm nay. Đồng thời, hãng sẽ khai thác thêm các chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Dù đã khá sát tết Dương lịch nhưng theo khảo sát của Báo Giao thông, vé máy bay đến các điểm nóng du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang vẫn còn khá nhiều. Theo đó, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc đang ở mức trên dưới 7 triệu đồng/ cặp vé khứ hồi; Chặng Hà Nội - Đà Nẵng hơn 3 triệu đồng/cặp vé khứ hồi; Chặng Hà Nội - Nha Trang hơn 4,5 triệu đồng/cặp vé khứ hồi.
Vé tàu hỏa ngày cao điểm gần như kín chỗ
Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đường sắt cung ứng khoảng 390 chuyến tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam với hơn 200.000 chỗ gồm các tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội giai đoạn 10 ngày trước Tết và chiều Hà Nội đi TP.HCM giai đoạn 15 ngày sau Tết.
Chặng đông khách giai đoạn trước Tết tập trung từ TP.HCM, các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai... đi các tỉnh khu vực Trung bộ, miền Bắc như Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa...; từ Hà Nội đi các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình.
Giai đoạn sau Tết, sẽ ngược lại, khách sẽ từ các tỉnh trở về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... để đi làm.
Giá vé tàu Tết chiều cao điểm tăng so với Tết 2023, nhưng chỉ dao động khoảng 1-4% tùy theo ngày đi tàu, mác tàu, cung chặng. Tuyến Sài Gòn - Hà Nội cao nhất khoảng 2.950.000 đồng/vé và thấp nhất là 1.950.000 đồng/vé.
Tuy nhiên, chiều thấp điểm, giá vé giảm từ 3-10%. Tính chung cả giai đoạn chạy tàu tết, đường sắt vẫn áp dụng các chính sách giảm giá vé tùy theo ngày đi tàu, ga xuất phát, loại chỗ, số lượng khách tập thể...
Cụ thể, giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng; giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (tức ngày 29/12 âm lịch) và đi từ 1.000 km trở lên; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi; Đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt VN, hiện đường sắt bán vé bằng nhiều hình thức: trực tiếp tại các nhà ga, tại hàng trăm đại lý tại các tỉnh, thành; trực tuyến qua các website bán vé, trên các ứng dụng ví điện tử, app bán vé tàu và qua tổng đài bán vé. Nhờ đó, hành khách mua vé thuận tiện hơn; đến 80% khách lẻ (khách hàng cá nhân) là mua vé online, rất ít người ra ga mua vé như trước đây.
Đây là những yếu tố thu hút đông hành khách mua vé đi tàu Tết năm nay. Đến nay, sau 2 tháng mở bán (từ ngày 20/10/2023), tổng số vé đã bán được trên tuyến Thống nhất là 115.000 vé; các ngày cao điểm từ ngày 3/2 đến ngày 7/2/2024 (tức từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp) đã gần như hết vé, chủ yếu còn vé ghế mềm và ghế phụ.
Số lượng vé còn rơi vào các ngày trước và sau Tết: Từ ngày 2/2/2024 trở về trước và ngày 8, 9/2/2024 (tức ngày 23 tháng Chạp trở về trước và ngày 29, 30 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga; Sau Tết còn nhiều vé đi tất cả các ngày.
Phía Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết sẽ lập thêm các đoàn tàu khách khu đoạn trong các ngày sát ngày nghỉ Tết để phục vụ khách đi lại tuyến ngắn. Cụ thể dự kiến lập 21 đoàn tàu giữa Hà Nội - Thanh Hóa, Vinh; ngoài ra khu vực phía Bắc lập thêm 4 đoàn tàu Hà Nội - Lào Cai, 3 đoàn Hà Nội - Hải Phòng.
Dân đủng đỉnh đặt vé xe khách
Ở lĩnh vực đường bộ, dịp tết Dương lịch năm nay, dù các doanh nghiệp vận tải đã mở bán online song rất ít hành khách đặt chỗ trước, đặc biệt là các tuyến đường ngắn, dưới 300km.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch và vận tải Vân Anh (chuyên tuyến Hà Nội – Thanh Hoá) cho biết, dù chỉ còn nửa tháng nữa đến Tết Dương lịch nhưng theo ghi nhận rất ít hành khách đặt chỗ trước.
"Tuyến ngắn nên đa số người dân chờ đến sát ngày mới đặt vé, chưa kể, dịp nghỉ Tết Dương lịch nghỉ năm nay khá ngắn nên người dân ít có nhu cầu di chuyển. Cũng bởi thế, đơn vị không đề xuất tăng chuyến đợt này. Song dịp Tết âm lịch, người dân về thăm thân sẽ đông hơn, dự kiến, hành khách sẽ đặt chỗ sớm từ trước 1 tháng, hãng cũng sẽ đề xuất tăng chuyến khoảng 30%, tập trung vào các buổi chiều", ông Dũng nói.
Ở tuyến Hà Nội – Lào Cai – Sapa, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cũng cho biết còn rất nhiều ghế trống dịp Tết Dương lịch, trong khi dịp Tết Nguyên đán cũng chưa có nhiều khách đặt.
Cùng tuyến này, hãng xe Interbus Lines cho biết, đến nay mới chỉ có khoảng 35% khách đặt trước dịp Tết Dương lịch, đa số là khách nước ngoài đi du lịch. Lượng khách đi tuyến năm nay dự kiến chỉ bằng 50% so với năm ngoái.
Với tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu, giống như các năm trước, hành khách chỉ đặt vé trước ngày đi 1-2 ngày, đến nay vẫn còn nhiều ghế trống.
Đại diện các nhà xe cho biết, các chặng tuyến có quãng đường dưới 300km hiện nay số lượng xe nhiều nên không lo thiếu xe dịp Tết, cũng vì thế, người dân không còn tình trạng sốt sắng đặt vé giữ chỗ như trước đây.
Ngược lại, với chặng dài như các tuyến phía Tây Bắc như Hà Nội – Sơn La, Hà Nội - Điện Biên, đại diện hãng xe Hải Vân cho biết, đến nay đã bán hết vé dịp Tết Dương lịch và đề xuất xe tăng cường từ 1-2 xe/ngày vào các ngày 28, 29, 30/12 để phục vụ nhu cầu hành khách.
"Ngày 8/1 đơn vị mới bắt đầu mở bán vé Tết Nguyên đán, song đến nay nhiều hành khách đã hỏi trước, dự kiến cũng sẽ hết vé sớm sau khi mở bán", vị đại diện này cho biết thêm.
Về giá vé, các doanh nghiệp cho biết, dù nhu cầu dịp Tết tăng cao song không vì thế mà tăng giá vé hay nhồi nhét hành khách.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, đến nay chưa có nhà xe nào đề xuất tăng chuyến, tăng giá vé dịp Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán. Song hành khách sẽ không lo thiếu xe dịp này.
Đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội cho hay, đơn vị đang khẩn trương chỉnh trang khu vực các bến xe đảm bảo ngăn nắp, sạch đẹp để phục vụ hành khách, cùng đó, thành lập đoàn giám sát chặt chẽ việc niêm yết và kê khai giá vé của các đơn vị vận tải.
Đồng thời, rà soát số lượng phương tiện đang khai thác và dự báo nhu cầu vận tải tại đơn vị ở những giai đoạn cao điểm để có phương án huy động, điều tiết kịp thời, không để hành khách phải chờ lâu, không có phương tiện vận chuyển.
"Chúng tôi sẽ kiên quyết từ chối ký lệnh đối với các đơn vị không chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động vận tải", đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội nói.
Về phía Sở GTVT Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở cho biết, Sở này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận lại buýt, taxi, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng…xây dựng kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Giáp thìn năm 2024 và hoàn thiện trước ngày 20/12.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận