Ngày 23/9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết quá trình lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị trên tàu sân bay Phúc Kiến có thể kéo dài tới năm sau nhưng nếu thực hiện công đoạn này đồng thời với thử nghiệm neo đậu thì có thể rút ngắn thời gian để sớm bàn giao tàu cho Hải quân Trung Quốc.
Thử nghiệm neo đậu sẽ kiểm tra cách hoạt động riêng lẻ cũng như phối hợp với nhau của tất cả các hệ thống trên tàu - từ động cơ đẩy đến thiết bị cơ khí.
Quá trình thử nghiệm được thực hiện chỉ 3 tháng sau khi tàu Phúc Kiến hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải vào tháng 6.
Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc - tàu Phúc Kiến thử nghiệm neo đậu. Ảnh - Weibo
Sau khi hoàn thành thử nghiệm neo đậu, tàu sẽ đi vào thử nghiệm trên biển và một số thử nghiệm khác như vận hành phóng và hạ cánh máy bay trên boong tàu trước khi đưa vào biên chế. Khi sẵn sàng tham gia tác chiến, tàu Phúc Kiến được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột tại Eo biển Đài Loan.
Tàu Phúc Kiến là tàu sân bay thứ 3 và hiện đại nhất của Trung Quốc. Tàu sử dụng máy phóng điện từ để phóng máy bay từ boong tàu. Hiện trên thế giới chỉ có một quốc gia khác là Mỹ áp dụng công nghệ này trên tàu sân bay lớp USS Gerald R. Ford.
Tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc là Sơn Đông bắt đầu thử nghiệm neo đậu sau khi hạ thủy 4 tháng.
Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - tàu Liêu Ninh vừa đánh dấu một thập kỷ hoạt động khi tham gia tập trận trên biển Bột Hải. Lần đầu tiên, tàu chiến này thực hiện một cuộc diễn tập trong khi chở theo 24 tàu chiến J-15; 2 trực thăng Z-8 và 1 trực thăng Z-9.
Trung Quốc mua tàu Liêu Ninh - tiền thân là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, từ Ukraine vào năm 1998. Trong những năm tiếp theo, nước này nâng cấp, cải tạo tàu Liêu Ninh và bàn giao tàu cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2012.
Tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế thuộc Hải quân Trung Quốc từ tháng 9/2012. Vào thời điểm đó, tàu chưa chở theo máy bay nhưng chỉ hai tháng sau, đã có tiêm kích J-15 đầu tiên thực hiện cất cánh và hạ cánh từ boong tàu.
Trong thập kỷ qua, khi kinh nghiệm tác chiến và số lượng phi công tăng lên, số lượng máy bay trên tàu Liêu Ninh đã tăng lên tới mức đỗ kín boong tàu.
Nếu như phải mất tới 5 năm, tàu Liêu Ninh mới đạt được mức phục vụ 1.000 lượt tiêm kích J-15 cất/hạ cánh thì 1.000 lượt tiêm kích cất/hạ cánh tiếp theo chỉ mất khoảng 1 nửa thời gian.
Dựa trên tàu Liêu ninh, Trung Quốc chế tạo tàu sân bay thứ 2 - tàu Sơn Đông hạ thủy năm 2017 và đưa vào biên chế năm 2019. Đây là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
3 tàu sân bay kể trên là một phần trong hạm đội của Hải quân PLA - đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu số lượng tàu chiến lớn nhất thế giới với một số tàu có uy lực mạnh mẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận