Hạ tầng

Tàu VR-SB chạy tuyến ven biển sắp phải đáp ứng các quy định riêng

03/09/2021, 17:40

Nếu đề xuất được thông qua, tàu pha sông biển mang cấp VR-SB được hoạt động trong phạm vi 28 tỉnh, thành và phải tuân thủ các quy định riêng.

Ngày 3/9, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đơn vị này đang xây dựng dự thảo thông tư của Bộ GTVT quy định về hoạt động của phương tiện thủy nội địa pha sông biển mang cấp VR-SB (tàu SB) trên tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam.

Theo dự thảo, tàu SB được hoạt động giữa các cảng, bến thủy và cảng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thuộc địa phận 28 tỉnh, thành phố. Phương tiện phải đáp ứng các quy định về đăng ký, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

img

Tàu pha sông biển VR-SB neo đậu tại vùng nước hàng hải tại Quảng Ninh

“Hiện tuyến ven biển Bắc - Nam dành cho tàu SB gồm 3 đoạn tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình, Quảng Bình - Bình Thuận, Bình Thuận - Kiên Giang. Việc đề xuất xây dựng thông tư, trong đó quy định tuyến vận tải thông suốt Bắc - Nam, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy phát triển vận tải và bảo đảm an toàn cho phương tiện, thuyền viên”, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Đáng chú ý, dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của Cục Đường thủy nội địa, Hàng hải VN, Đăng kiểm VN, Sở GTVT các địa phương trong tổ chức quản lý hoạt động của tàu SB. Trong đó, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức quản lý phương tiện, thuyền viên và kết cấu hạ tầng tuyến vận tải ven biển.

Việc tổ chức quản lý tàu SB hoạt động trên tuyến được tập trung qua hệ thống giám sát tự động AIS (hệ thống thu, phát tín hiệu tự động lắp đặt trên phương tiện) để phát hiện, xử lý đối với phương tiện hoạt động không đúng tuyến.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền trưởng và thuyền viên tàu SB. Đối với thuyền trưởng, khi phương tiện hoạt động, thuyền trưởng có quyền chỉ huy cao nhất trên tàu và chịu trách nhiệm khai thác phương tiện đúng công dụng, đúng tuyến, đúng vùng hoạt động của tuyến vận tải được công bố.

Hiện toàn quốc có hơn 1.200 tàu VR-SB chuyên chở hàng hóa (gồm 50 phương tiện chở container) được cấp chứng nhận đăng kiểm để hoạt động trên các tuyến vận tải ven biển đã được công bố. Trong giai đoạn 2014-2019, trung bình mỗi tháng đội tàu này vận chuyển đạt 2,2 triệu tấn hàng; còn từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng vận chuyển 5 triệu tấn.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN và các doanh nghiệp vận tải, thời gian vận tải hàng hóa bằng tàu SB tuyến Bắc - Nam dài hơn 1,5-3 lần so với đường bộ, nhưng giá cước chỉ bằng 50-70% đường bộ.

Từ khi mở tuyến đến nay, đội tàu SB gia tăng nhanh về số lượng và cạnh tranh mạnh mẽ với đội tàu biển cấp hạn chế III, song cũng gây lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng và nguy cơ cao mất an toàn khi hoạt động trên biển. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần có thông tư riêng để quản lý hoạt động tuyến vận tải ven biển góp phần bảo đảm an toàn, phát triển vận tải ven biển bền vững.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, so với tàu biển cấp hạn chế III hoạt động tuyến Bắc - Nam, tàu SB có lợi thế hơn do chi phí đầu tư phương tiện và trang thiết bị, đào tạo thuyền viên rẻ hơn; các loại phí, lệ phí tại cảng biển của tàu có dung tích dưới 500 GT thấp hơn và không phải chịu phí bảo đảm hàng hải khi đi qua luồng hàng hải để vào cảng, bến thủy.
Tuy nhiên, hạn chế là xảy ra một số vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do phương tiện không chấp hành đúng quy định hành hải khi hoạt động trên tuyến, hoạt động ra vùng biển xa hơn phạm vi tuyến được công bố và tắt thiết bị giám sát tự động AIS để tránh bị kiểm tra, xử lý; một số phương tiện không lưu trữ hồ sơ thiết kế tàu theo quy định, gây khó khăn trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp.
Trong khi đó, chưa có cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý, kết nối dữ liệu thông tin và chưa giám sát được hoạt động của đội tàu SB khi hành trình trên biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.