Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, UBND TP.HCM và Tây Ninh phải có báo cáo trình HĐND 2 địa phương xem xét, đồng thuận về đề xuất thực hiện dự án. Sau đó, các đơn vị chức năng mới thực hiện các bước tiếp theo.
Trong 2 năm qua, các cơ quan chức năng của TP.HCM và Tây Ninh vào cuộc để thực hiện các thủ tục đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhưng đến nay dự án vẫn chưa chốt được ngày bấm nút khởi công. Trong khi người dân mong ngóng từng ngày vì tuyến Quốc lộ 22 đang quá tải.
Tháng 5/2021, HĐND tỉnh Tây Ninh đã có Nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và thống nhất đề xuất với Bộ GTVT giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Tuy vậy, đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa có báo cáo trình HĐND thành phố để có quyết định.
Đầu tháng 6/2021, UBND TP.HCM đã giao Sở KH&ĐT khẩn trương tham mưu UBND TP báo cáo HĐND thông qua đề xuất thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ và đề xuất giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định.
“Sở GTVT cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Sở KH&ĐT khẩn trương rà soát, tham mưu UBND Thành phố các nội dung về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Tuy nhiên, đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu”, văn bản Sở GTVT nêu.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, việc chậm trễ thực hiện các thủ tục thông qua chủ trương đầu tư sẽ làm tăng chi phí GPMB của dự án. Bởi hiện nay chi phí GPMB của dự án đã chiếm tỷ trọng khoảng 47% tổng mức đầu tư.
Quá sốt ruột, Sở GTVT đã chủ động báo cáo, kiến nghị UBND Thành phố xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố đồng thuận về đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo đó, dự án có điểm bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22, khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Theo thiết kế hoàn chỉnh, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM là 8 làn xe; đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh là 6 làn xe. Dự án được đầu tư làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 có chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM là 23,7km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3km. Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế.
Trên đoạn tuyến sẽ xây dựng một số nút giao khác mức liên thông nhằm đảm bảo tính kết nối giữa các đường ngang các khu đô thị dọc tuyến với tuyến dự án. Sẽ GPMB theo mặt cắt ngang quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc 8 làn xe.
Phương thức đầu tư giai đoạn 1 là đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Trong đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT; Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, GPMB từ nguồn ngân sách của 2 địa phương.
Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 15.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận