Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 (Đông Phong 41) có thể bắn đến Mỹ - Ảnh: Reuters |
Tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence tại Canada ngày 29/3 cho biết, Trung Quốc chuẩn bị đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 (Đông Phong-41) với tầm bắn lên đến 14.500 km trong nửa đầu năm nay. Đồng nghĩa với việc, Mỹ sẽ gặp nguy hiểm chỉ trong nửa giờ.
Loại tên lửa DF-41 này được Washington ca ngợi như một loại vũ khí có tầm bắn xa nhất thế giới. Hiện nay, tên lửa DF-41 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Với tầm bắn đến 14.500 km, Đông Phong-41 sẽ được triển khai cho lực lượng tên lửa mới được thành lập của quân đội Trung Quốc đặt căn cứ tại Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Từ căn cứ này, Đông Phong-41 có thể tấn công nước Mỹ trong vòng nửa giờ nếu bay qua Bắc Cực, hoặc hơn 30 phút băng qua Thái Bình Dương.
Theo đánh giá của chuyên san quốc phòng IHS Jane"s hồi năm 2014, tên lửa Đông Phong-41 được thiết kế có tầm bắn 12.000 km và là một trong số những tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới. Trong khi đó, các nhà phân tích quốc phòng cho biết không rõ liệu Đông Phong-41 có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không.
"Không ai nghi ngờ gì chuyện tầm bắn xa nhất của Đông Phong-41 là gần 15.000 km. Nhưng chỉ trong vòng vài phút (sau khi) được phóng ra, nó có thể bị chặn bởi hệ thống phòng thủ của Mỹ tại căn cứ hải quân ở Guam", Giáo sư He Qisong, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Đại học luật và khoa học chính trị Thượng Hải nhận định.
Kanwa Asian Defence cho biết Đông Phong-41 đã được thử nghiệm tại Trung tâm thử nghiệm tên lửa và không gian Wuzhai - còn được gọi là Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây - kể từ mùa hè năm 2015.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. |
Hệ thống tên lửa DF-41 được thử nghiệm ít nhất 5 lần kể từ tháng 7/2014. Những báo cáo trước đó cho biết, cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện lực lượng tên lửa của Trung Quốc thử DF-41 từ một bệ phóng tên lửa di động đặt trên đường sắt hồi tháng 12/2015.
Một chuyên gia đánh giá, tốc độ tấn công của tên lửa này sẽ được cải thiện sau năm 2020 khi nước này hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, do không phụ thuộc vào hệ thống định vị của Mỹ.
Mặc dù mới xuất hiện gần đây nhưng chương trình phát triển DF-41 đã được lên kế hoạch từ năm 1986. Đến đầu những năm 2000, khi đã có những công nghệ cần thiết, Trung Quốc mới bí mật nối lại chương trình DF-41 đầy tham vọng. DF-41 là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, tên lửa có chiều dài 21 mét, đường kính 2,25 mét, trọng lượng phóng 80 tấn. Với tầm bắn gần 15.000 km, đây sẽ là tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa thứ 2 thế giới sau tên lửa R-36 của Nga.
Mặc dù DF-41 vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đặc tính kỹ chiến thuật vẫn còn là một bí ẩn, nhưng nó có thể khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới về đánh chặn và xuyên thủng lá chắn tên lửa giữa Mỹ-Trung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận