Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. |
Qua ảnh vệ tinh cho thấy cuộc bắn thử nghiệm cho bệ phóng tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) với ống phóng thẳng đứng chạy trên đường ray giống tàu hỏa hôm 5/12 vừa qua ở phía tây Trung Quốc, theo lời các quan chức quốc phòng Mỹ trả lời trên tờ Washington Free Beacon.
Theo tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Bắc Kinh đã phát triển các bệ phóng tên lửa trên đường ray từ năm 1982. Vụ thử mới nhất này là cột mốc quan trọng đối với các nhà phát triển vũ khí Trung Quốc, chứng minh Bắc Kinh đang hướng đến việc triển khai DF-41 trên tàu lửa, ngoài các bệ phóng di động trên đường.
Các chuyên gia quân sự cho hay bệ phóng tên lửa di động được thiết kế nhằm làm phức tạp các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các lực lượng hạt nhân. Đoàn tàu mang tên lửa bao gồm các toa xe phóng tên lửa, một toa chỉ huy và các toa xe thiết bị hỗ trợ khác, tất cả được ngụy trang như một đoàn tàu chở khách thông thường.
Hiện nay, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh được ước tính sở hữu khoảng 300 đầu đạn.
Công nghệ phóng tên lửa ngụy trang như tàu hỏa của Trung Quốc hiện nay được tin là bắt nguồn từ Ukraine. Bắc Kinh được cho là đã sử dụng gián điệp quân sự để lấy cắp thứ vũ khí này. Trong thời Liên Xô, Ukraine đã chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa đường sắt SS-22, theo một báo cáo của Dự án kiểm soát vũ khí châu Á thuộc Đại học Georgetown (Mỹ).
Một hệ thống tên lửa gắn trên tàu hỏa. |
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc còn đang phát triển một hệ thống đường ngầm và đường sắt dành riêng cho đoàn tàu tên lửa ở miền trung Trung Quốc.
Phillip A.Karber, một chuyên gia quốc phòng chủ nhiệm Quỹ Potomac cho biết tổ chức của ông phát hiện ra tên lửa DF-41 từng được đưa tới bãi thử ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. “Nếu tàu hỏa có thể mang được bệ phóng tên lửa xuyên lục địa DF-41 thì nó hoàn toàn có khả năng tấn công đa mục tiêu cùng lúc”, ông Karber trả lời cho tờ Free Beacon.
“Sự kết hợp của tốc độ, sự linh hoạt, quá trình ngụy trang như một tàu chở khách, hệ thồng hầm ngầm bảo vệ, nhiều đầu đạn cùng triển khai một lúc khiến rất khó xác định chính xác số lượng hệ thống này trong thực tế”.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực chế tạo các loại vũ khí hiện đại và có thể sẽ thách thức vai trò thống lĩnh của Mỹ trong tương lai.
Tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) của Trung Quốc là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng đẩy, có chiều dài 15 m, đường kính 2 m, trọng lượng 30 tấn với tầm bắn từ 11.500 km - 14.000 km có thể lắp 10 đầu đạn độc lập (dẫn đường chủ động), lắp mục tiêu giả và dùng để chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa và có khả năng chạm tới bất kì mục tiêu nào ở Mỹ. Mỗi đầu đạn hạt nhân có thể được lập trình để tấn công vào một địa điểm cụ thể.
Tên lửa DF-41 có khả năng phóng lạnh, sử dụng các rocket phụ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng tới một độ cao nhất định trước khi động cơ chính của tên lửa được khởi động. Cơ chế này tương tự cơ chế phóng của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-12M Topol của Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận