Những ngày này, đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.
Đây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 hàng năm. Năm nay, lễ sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16/4.
Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày liên tiếp. Ngày đầu tiên có tên: Maha Songkran (Chôl Sangkran Thmây). Mọi người làm lễ rước đại lịch, tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa.
Ngày thứ hai có tên: Wanabat (Wonbơf), là ngày làm lễ dâng cơm. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư; sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa.
Sang ngày thứ ba, gọi là ngày Tngai Laeung Saka (Lơng Săk). Ngày này sẽ làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Vào buổi sáng dâng cơm sáng cho các sư, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Chiều, đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật.
Trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên lễ hội Chol Chnam Thmay chỉ được tổ chức gọn nhẹ, không tổ chức những nghi lễ có đông người tham gia.
Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực ĐBSCL, nhiều nhất ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ...
Cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á.
Mỗi năm, đồng bào Khmer có 3 lần tết và lễ hội lớn, gồm: Lễ hội Ok om bok, còn gọi là Lễ cúng trăng; lễ hội Sene Dolta và Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay mừng năm mới, như vừa nói trên.
Ông Lâm Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Hai năm trước, do dịch bệnh, nên mỗi khi tới lễ hội, tui chỉ quét dọn nhà cửa, lau chùi vệ sinh bàn thờ tổ tiên, trang hoàng chút ít cho có không khí Tết. Năm nay, dịch bệnh đã lắng dịu, bà con ai cũng hy vọng sẽ có một cái Tết vui tươi đầm ấm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận