Có rất nhiều phong tục cổ truyền mà các gia đình Việt cho rằng cần thực hiện trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 sắp tới |
Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Trải qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã lưu giữ và phát triển nhiều phong tục ý nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc.
Dưới đây là những lưu ý về các phong tục cổ truyền cần thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.
Thăm mộ tổ tiên
Nhiều gia đình Việt quan niệm rằng khoảng thời gian từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp là lúc để con cái trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm mộ ông bà tổ tiên. Tại đây, con cháu không chỉ quét dọn mồ mả mà còn đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Phong tục cúng ông Táo
Hàng năm, người Việt Nam lại có tục cúng thần bếp hay còn gọi là ông Táo vào dịp cuối năm. Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời, nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn.
Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để lên trời.
Lễ rước vong linh Ông Bà
Là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu.Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết.
Tục xông nhà
Theo phong tục, cứ đến đêm Giao thừa mọi người thường ở trong nhà không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mọi người mới được đi chúc Tết nhà khác. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới. Tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng, vì thế trước Tết chủ nhà thường chọn người quen biết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.
Xem thêm video:
Hái lộc đầu xuân
Trong đêm Giao thừa, mọi người thường đi lễ chùa để cầu một năm mới tốt lành, sức khỏe tốt trong một năm mới. Sau đó người ta sẽ ngắt một cành lộc ở một cành cây nào đó. Nếu ngắt được cành lá tươi tốt thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, ngày nay người ta ít làm tục này.
Chúc Tết, mừng tuổi
Chúc Tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc Tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.
Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người còn đến chúc Tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến. Khi chủ nhà được chúc Tết thường tiếp đãi người đến chúc Tết ăn uống để thể hiện thành ý và tình thân với nhau.
Phong tục xuất hành
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Ngày nay phong tục này không còn được nhiều người tin và làm theo.
Kiêng kỵ
Trong 3 ngày đầu năm người ta thường thận trọng lời ăn tiếng nói và hành động vì tin rằng có thể đem lại hên xui cho cả năm. Thí dụ như không quét rác, nhất là quét xác pháo ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa. Không tặng thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là dấu hiệu của bệnh hoạn và xung khắc. Không khóc lóc than thở hay đập vỡ chén dĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vở trong gia đình. Không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận