Những đứa trẻ xa xứ trong gia đình chị Lan (ở Anh) thích thú với bánh chưng, bánh tét đón Tết |
"Tết xa quê vui buồn xen lẫn"
Ở London, chúng tôi không được nghỉ vào những ngày Tết Âm lịch, tuy nhiên cái háo hức tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới vẫn luôn trào dâng mỗi khi mọi người chúc nhau trên Facebook, trên Skype và tin nhắn.
Đã thành một thông lệ, để giữ gìn truyền thống, mỗi dịp Tết Âm lịch, ở trời Tây, mấy người bạn thân của tôi rủ nhau gói bánh chưng và cùng nhau làm một bữa Tất niên dịp cuối tuần gần Tết nhất. Việc mua bán được phân chia mỗi người một thứ, người thì mua thịt lợn thái rồi ướp hạt tiêu gia vị, người thì ngâm gạo và đỗ, người gửi mua lá dong và lạt từ Việt Nam sang rồi lau rửa tinh tươm.
Đến ngày gặp gỡ, nhà nào cũng đến thật sớm, mỗi người một việc, người giã đỗ, người rửa lá dong, người gói bánh... Bữa tối tất niên vang tiếng nhạc "Xuân xuân ơi xuân đã về...", trẻ con cũng được mặc quần áo mới, được lì xì nên chạy lăng xăng vui chơi.
Bữa cơm Tất niên nơi trời Tây của chúng tôi giản dị nhưng cũng có đủ món, canh măng, giò thủ xào, thịt lợn quay, nem rán và đặc biệt có món bánh chưng nóng hổi vừa ra lò. Chúng tôi vừa ăn vừa ôn chuyện năm cũ, chia sẻ những dự định cho năm mới. Không khí đầm ấm ấy thật không khác nào đang được ở nhà với bố mẹ, anh chị em. Không nói ra nhưng tôi nghĩ, trong giờ phút ấy, ai cũng sẽ thoáng buồn nhớ cảnh đoàn tụ ở nhà ngày Tết. Cái Tết của người Việt Nam xa quê bao giờ cũng giàu cảm xúc vậy đó - vui và buồn.
(Chị Nguyễn Khánh Lan, làm tại Công ty Dynamics AX Finance Consutltant, sống ở London, Anh)
Hằng Phan
“Một mình vẫn đón Tết”
Tôi đã đón 6 cái Tết ở nước Mỹ. Những năm đầu sang Mỹ, cứ mỗi dịp Tết đến là tôi nhớ nhà phát khóc, nhưng vài năm sau, tôi cũng dần quen với việc không được đón Tết cùng bố mẹ, anh chị em trên mảnh đất quê hương. Tuy vậy, chỉ nguôi ngoai phần nào, chứ thực sự là vẫn rất nhớ Tết quê nhà.
Ngày Tết ở Mỹ, tôi vẫn phải đi làm. Nơi tôi sống là quận Manhattan không có nhiều gia đình người Việt, cơ quan của tôi cũng không có đồng nghiệp người Việt, nên dường như chả ai biết đến Tết Việt, bởi người Mỹ rất ít quan tâm đến cuộc sống cá nhân của người khác.
Do vậy, tôi thường chỉ đón Tết một mình. Tôi luôn gọi điện về chúc Tết bố mẹ trước Giao thừa, để được cảm nhận, sẻ chia một chút không khí Tết quê nhà. Rồi khi kết thúc ngày làm việc, tôi ghé một siêu thị, tiệm ăn Việt, chọn vài món ăn Việt Nam, mua một tấm bánh chưng, một khoanh giò nhỏ. Ở Mỹ cũng có đầy đủ các sản phẩm: Bánh chưng, giò chả, nem… để đón Tết. Tuy nhiên, bánh chưng chỉ có loại nhỏ như bánh bán ở cửa hàng ăn sáng tại Việt Nam. Các món khác cũng vậy, nên rất thích hợp cho người đón Tết một mình như tôi.
Ngồi ăn bữa cơm Tết một mình cũng là lúc tôi tĩnh tâm nhìn lại một năm đã qua và đặt ra những mục tiêu cho năm mới.
(Chị Thu Hoài, quê ở Nam Định, hiện định cư ở quận Manhattan, TP New York, Mỹ)
Hải Quỳnh
Gia đình chị Huyền (ở Nga) gói bánh chưng đón Tết |
“Tết đậm hương sắc Việt ở Nga”
Tôi theo gia đình sang Nga du học từ năm 18 tuổi, sau khi hoàn thành chương trình học, tôi lấy chồng và hiện đang định cư, làm việc tại TP Moscow, LB Nga. Tính đến nay, tôi cùng gia đình đã đón 7 cái Tết xa quê.
Vào ngày Tết Âm lịch, người Việt Nam ở Nga vẫn đi làm, đi học bình thường, gia đình tôi cũng vậy. Tuy phải đi làm, nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ gói bánh chưng, mua mứt Tết, sắp bàn thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết cổ truyền. Dù lặng lẽ, không thật hoành tráng nhưng cách chuẩn bị Tết cũng không kém phần hối hả, thiêng liêng. Gia đình tôi rất chú trọng đến những món ăn truyền thống, món đồ trang trí đậm nét xuân quê nhà để đón Tết. Đặc biệt, năm nay gia đình tôi lại chuẩn bị đón thêm thành viên mới, nên không khí Tết càng trở nên vui vẻ, nhộn nhịp.
Trong mâm cơm cúng Tất niên của gia đình, cũng có bánh chưng, nem rán, xôi, giò lụa truyền thống. Đêm Giao thừa, gia đình tôi mời bạn bè thân thiết cùng nhau quây quần quanh mâm cơm, bật tivi xem chương trình năm mới ở quê nhà. Thời khắc xem truyền hình trực tiếp đêm Giao thừa từ các điểm cầu, tôi thường không ngăn được nước mắt. Vừa nhớ nhà, vừa hân hoan khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới vươn lên. Rồi khi ấy, lại tự nhủ sang năm mới, phải phấn đấu làm ăn, để sớm có dịp trở về đón Tết cổ truyền tại mảnh đất của tổ tiên.
(Chị Phạm Thị Huyền, quê ở Hải Dương, hiện định cư ở Moscow, LB Nga)
Quỳnh An
Bàn thờ tổ tiên vào ngày Tết của gia đình chị Tài ở CH Séc |
“30 năm đón Tết cổ truyền ở Cộng hòa Séc”
Tôi theo người thân sang Séc từ năm 15 tuổi, sau đó định cư lại. Sống ở Séc hơn 30 năm, nhưng mỗi khi đến Tết cổ truyền, tôi vẫn giữ nguyên nỗi nhớ Tết quê hương, nhớ những ngày anh, em tị nạnh nhau rửa lá dong, dọn dẹp nhà cửa hay ngồi quanh bếp lửa đợi bánh chưng chín.
Mặc dù công việc kinh doanh khiến tôi bận bịu tối ngày, nhưng Tết đến, tôi vẫn dành thời gian để gói bánh chưng, mổ gà, đồ xôi làm cơm cúng Tất niên đón Giao thừa theo giờ Việt Nam để duy trì những nét văn hóa dân tộc cho bản thân và con cái.
Những cái Tết xa quê hương của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tràn ngập không khí ấm cúng và đậm đà hương vị quê nhà. Đám trẻ nhà tôi háo hức lắm, chúng cũng phụ giúp gia đình chuẩn bị mâm ngũ quả để bày ban thờ. Không có hoa đào thật nên tôi tự tạo cây đào, làm những bông hoa giả bằng giấy gắn lên rồi treo bóng bay, lì xì. Sau bữa cơm cuối năm, mọi người tụ tập nhau lại phát lì xì cho con trẻ, rồi gọi điện về Việt Nam chúc sức khỏe ông, bà, người thân hai bên nội ngoại một năm mới tràn ngập niềm vui.
Tết Nguyên đán là một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, dễ thổn thức đối với cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, những hình ảnh chuẩn bị Tết ở Việt Nam được chia sẻ nhanh chóng khiến những người con xa quê nguôi đi phần nào nỗi nhớ.
(Chị Nguyễn Thị Tài, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, hiện định cư tại Cộng hòa Séc)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận