Hàng hải

Tết xa nhà của lính cứu nạn

12/02/2024, 07:32

Với những người làm nghề cứu nạn hàng hải, Tết cũng như ngày thường. Bất kể giờ giấc, họ luôn phải túc trực sẵn sàng vào việc khi có tình huống khẩn cấp.

Nỗi niềm bị chê "mất quê, mất gốc"

Khoảng 3 - 4 năm nay, anh Phạm Đình Hiếu (SN 1985), Thuyền phó 3 tàu SAR 274 (thường trực tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II) không được về quê ăn Tết.

Tết xa nhà của lính cứu nạn- Ảnh 1.

Thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng trong một lần tham gia cứu nạn.

Công việc của một thủy thủ cứu nạn luôn phải túc trực 24/24h bất kể ngày lễ, Tết khiến anh không thể đi đâu quá xa ngoài thành phố. Thi thoảng, anh mới có thời gian xin nghỉ phép để đưa vợ con về quê thăm người thân.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng hàng hải II, từ năm 2009, anh quyết định xin vào làm nghề cứu nạn, dù công việc này không chỉ vất vả mà còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Đặc biệt, thời gian để anh dành cho gia đình cũng không trọn vẹn. Mỗi dịp Tết đến xuân về, anh cùng các đồng nghiệp luôn phải thay nhau trực ca nên có những lúc, anh không thể quây quần bên gia đình trong giờ khắc thiêng liêng của năm mới.

"Lắm lúc không khỏi chạnh lòng vì những thiệt thòi của đời thủy thủ. Vào những dịp Tết, bạn bè rủ nhau tụ tập mình cũng không thể tham gia. Có lúc ngồi ăn uống cùng người thân, vừa cầm bát cơm lên thì có tin báo nạn, cũng không kịp ăn mà vội lao đi làm nhiệm vụ", anh kể.

Cùng vợ rời khỏi quê hương Nghệ An để vào Đà Nẵng sinh sống và lập nghiệp, xa người thân nên Tết đến là thời điểm anh dễ chạnh lòng nhất. Gọi điện về hỏi thăm mẹ, thấy cảnh anh em trong nhà quây quần với mẹ mà thiếu mỗi mình, anh có chút tủi thân.

"Có những gièm pha, bảo tôi mất quê, mất gốc. Nhưng ngẫm lại, quan trọng là tình cảm mình dành cho gia đình, cho làng quê vẫn vậy. Đặc thù công việc của mình nên phải chấp nhận", anh thổ lộ.

Trước đây, phương tiện thông tin liên lạc chưa phát triển nên thuyền viên không có nhiều hình thức giải trí, cũng khó để liên lạc về nhà với người thân cho vơi nỗi nhớ.

Họ chỉ có thể đọc báo hoặc quây quần với nhau kể chuyện, tâm sự. Trước Tết, mỗi khi tàu cập bờ vào cảng biển, thuyền viên phải mua sẵn đồ ăn, lương thực thực phẩm như đỗ, thịt mỡ, lá dong... để tự gói bánh chưng trên tàu.

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng


Đối với anh, mỗi lần cứu được người là một lần cảm thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. "Đầu năm, việc cứu được người khiến niềm vui nhân lên gấp bội bởi năm mới, ai cũng mong muốn làm điều tốt đẹp hơn bao giờ hết", người thủy thủ tâm sự.

Trong ký ức của chàng lính cứu nạn, cái Tết khiến anh không thể quên là năm 2019. Đúng sáng mùng 1 Tết, vừa trở về nhà xông đất đầu năm sau ca trực, anh nhận được thông báo cứu nạn của một tàu hàng.

Chưa kịp thay quần áo, anh vội vã trở lại tàu. Lúc này, gió to và sóng cao 3 - 4m vẫn không làm chùn bước những người lính cứu nạn. Con tàu SAR vun vút, phóng hết tốc lực để kịp thời cứu các nạn nhân, đưa về bờ an toàn.

Trong khi đó, vào nghề cứu nạn ngót nghét 20 năm, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1972) của tàu SAR 411 đã coi thiệt thòi của người lính cứu nạn là chuyện thường tình. Với anh, dù có phải trực Tết "vẫn sung sướng chán" so với Tết của thủy thủ viễn dương, vì dù sao cũng gần bờ hơn.

Từng đi theo những con tàu hàng lênh đênh ngoài khơi, anh Dũng thấu hiểu nhọc nhằn của phận người đi biển. Anh kể, trước đây mỗi dịp Tết đến, các thủy thủ phải nhờ chủ tàu mua trước cả chục kí lô báo Tết để trên tàu đọc dần, vì lúc đó internet chưa phát triển như bây giờ.

Nhiều lần đi trên những con tàu với thuyền viên đa quốc tịch nên thuyền trưởng Dũng cũng có vô số kỷ niệm khó quên. Có năm, anh được tham gia tiệc mừng năm mới của các thuyền viên người Nhật, uống rượu sake. Có năm, anh bất ngờ nhận được món quà tặng là một chiếc áo phông trong dịp Giáng sinh theo văn hóa tặng quà của các thuyền viên Philippines.

Đón những cái Tết giữa đại dương mênh mông như thế, thấu hiểu sự thèm khát được ở bên người thân vào dịp Tết nên anh quyết định về làm công việc cứu nạn.

"Mức lương của thủy thủ cứu nạn thấp hơn nhiều so với đi tàu viễn dương nhưng ít nhất, tôi vẫn gần gia đình. Sau ca trực, vẫn có thể về đón năm mới với người thân", thuyền trưởng tàu SAR 411 thổ lộ.

Trưởng thành sau ca trực Tết

Không phải đón Tết trên tàu, cũng không phải vượt sóng gió ngoài khơi để đi cứu người trong ngày Tết như các thủy thủ cứu nạn, nhưng việc canh trực nhận thông tin báo nạn cũng để lại cho người làm công tác trực ban thông tin như chị Nguyễn Ngọc Mai Anh (SN 1991, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN khu vực II) vô vàn điều đáng nhớ.

Tết xa nhà của lính cứu nạn- Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Mai Anh cùng đồng nghiệp trong buổi diễn tập tìm kiếm cứu nạn.

Với chị, đi trực vào ngày Tết đã trở thành điều quen thuộc. Tuy nhiên, các nhân viên trực ban thông tin vẫn thường trực luân phiên để ai cũng được về nhà nghỉ ngơi, đón Tết với gia đình.

Dù đã quá quen, song chị thừa nhận vẫn có lúc tủi thân. Có lúc, bạn bè rủ nhau đi chơi, chị lại phải đến phòng trực. Bù lại, điều an ủi lớn nhất là những lúc có thể tự mình hỗ trợ, giúp đỡ được những người đi biển đang gặp nạn trong dịp đầu năm.

Chị kể, dịp Tết, bà con ngư dân hầu hết đều về nhà, thuyền bè hạn chế hoạt động nên cũng ít vụ việc cứu nạn. Tuy nhiên, thời điểm trước và sau Tết, khi tàu bè đồng loạt trở về và đồng loạt xuất hành mới hay có sự cố xảy ra. Thời gian cao điểm đó là lúc để chị được trui rèn kinh nghiệm làm việc.

Chị nhớ như in vụ việc xảy ra vào ngày 25 tháng Chạp năm 2018. Hôm đó, chỉ có một mình chị trực và nhận được tin báo nạn của chiếc tàu đánh cá của Bình Định. Tàu bị phá nước, có nguy cơ chìm, trên tàu có 5 thuyền viên và biển đang động mạnh. Các thuyền viên phải rời tàu sang thuyền thúng, thuyền trưởng yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.

Đáng nói, vị trí tàu bị nạn nằm ở khu vực giáp ranh vùng biển quốc tế với Philippines, nằm ngoài tầm hoạt động của các tàu cứu nạn Việt Nam tại vùng biển Đà Nẵng.

Ngay sau khi tiếp nhận, chị đã phát thông báo hàng hải yêu cầu tàu thuyền hoạt động trong khu vực hỗ trợ. Đồng thời kết nối, phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để có biện pháp trợ giúp tàu bị nạn.

May thay, một tàu hàng nước ngoài (quốc tịch Anh) sau đó đã gửi email cho biết tàu đang trên đường hành trình đi Đài Loan, hiện còn cách tàu bị nạn khoảng 60 hải lý. Nữ trực ban thông tin lập tức yêu cầu tàu tăng tốc hướng về phía tàu bị nạn.

"Tàu hàng nước ngoài bảo tôi cho họ thông tin của tàu bị nạn để chủ động liên lạc, nhưng các ngư dân lại không biết tiếng Anh. Sau một chút bối rối, tôi quyết định yêu cầu tàu hàng duy trì liên lạc để kết nối, hướng dẫn việc tìm kiếm và tiếp cận với các nạn nhân", chị kể và cho biết, vụ cứu nạn sau đó đã được thực hiện thành công, cứu được cả 5 thuyền viên.

Sau mỗi vụ cứu nạn thành công, cô gái Đà Nẵng lại thấy mình trưởng thành hơn, thấy công việc của mình mang tới nhiều ý nghĩa cho cuộc sống.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.