Trong văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, vào mỗi dịp 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình đều làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Với quan niệm rằng Táo quân sẽ cưỡi cá chép về chầu trời để báo cáo những việc làm được và chưa làm được trong một năm đã qua vào ngày 23 Tết, sau đó sẽ chở lại tiếp tục giữ ấm cho phòng bếp vào đêm 30.
Ngoài ý nghĩa “cá hóa rồng, vượt vũ môn”, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Bên cạnh đó, thả cá chép cũng mang ý nghĩa thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, hướng đến một kết quả tốt đẹp. Vì vậy, phong tục này vẫn đang được phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ sau hiểu được văn hóa dân tộc.
Mặc dù không có quy chuẩn cụ thể, nhưng các nhà sư đều cho rằng phóng sinh là để khơi lòng thiện lành của con người. Vì vậy, nên tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh.
Theo sư thầy Thích Đàm Lý, trụ trì chùa Động Linh (Đan Phượng, Hà Nội), phóng sinh cá chép trước hết phải xuất phát từ cái tâm và không cần quá cầu kỳ. Tâm thái khi đi thả cá cần vui vẻ, thoải mái, luôn tâm niệm phóng sinh là làm việc thiện, tích đức.
Tuy nhiên, nhiều người không phải thả mà đứng trên cao đổ xuống cũng như ném luôn cả túi ni lông xuống ao, hồ khiến cá bị sốc hoặc chết. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn thể hiện thái độ không tôn trọng với con vật mà họ thả cũng như không đúng với ý nghĩa phóng sinh.
Vì vậy, cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả cá chép phải thả từ từ, nhẹ nhàng để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết; không nên cầm cả xô đổ cá; không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước…Ngoài ra, nên lưu lại một chút xem cá có bị mắc kẹt hoặc bị nước xô dạt lại vào bờ hay không...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận