Động lực lớn từ ông Biden và đảng Dân chủ
Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đột ngột tuyên bố dừng tranh cử và công khai ủng hộ bà Harris thay thế ông trở thành ứng viên Tổng thống mới của đảng Dân chủ.
Theo hãng tin CNN, bà Harris đã bày tỏ vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Biden và khẳng định sẽ nỗ lực để giành được sự đề cử của đảng Dân chủ cho vị trí ứng viên Tổng thống.
Bà Harris cam kết sẽ làm hết sức để thúc đẩy đoàn kết trong nội bộ đảng Dân chủ, trong lòng nước Mỹ để đánh bại đối thủ là ông Donald Trump.
Dù thừa nhận chỉ còn 107 ngày nữa sẽ đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thời gian không còn nhiều để bà có thể nhận thêm sự ủng hộ từ nội bộ đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Harris vẫn khẳng định nếu biết đoàn kết và thống nhất, đảng Dân chủ vẫn có thể giành chiến thắng.
Cho đến thời điểm này, bà Harris được coi là ứng viên sáng giá nhất có thể thay thế ông Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Sau khi ông Biden quyết định rút lui, ngày càng có nhiều quan chức đảng Dân chủ công khai bày tỏ sự ủng hộ dành cho bà.
Cụ thể, Hạ nghị sĩ bang California Mike Levin tuyên bố giờ là lúc đảng Dân chủ cần phải dành sự ủng hộ cho bà Harris với tư cách là lãnh đạo mới của Đảng. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Hawaii Mazie Hirono cam kết sẽ hỗ trợ hết mình để bà Harris có thể trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ.
Đáng chú ý, Hạ nghị sĩ bang New Jersey Andy Kim cũng bày tỏ sự ủng hộ cho bà Harris và khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của ông đối với bà.
Ông Kim coi việc bà Harris được lựa chọn thành ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ là một bước đi mang tính lịch sử khi cử tri Mỹ lần đầu tiên có cơ hội được lựa chọn một người phụ nữ da màu làm Tổng thống qua đó tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ đáng kể mà đảng Dân chủ đã đạt được.
Còn đó những hoài nghi và thách thức
Hiện có ít nhất 27 trên tổng số 51 thượng nghị sĩ và ít nhất 60 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ công khai ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên Tổng thống của đảng này.
Tuy nhiên, nhân vật được cho là chủ chốt nhất tại lưỡng viện của đảng Dân chủ là Chủ tịch phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer vẫn chưa bày tỏ sự ủng hộ dành cho bà Harris.
Thực tế, việc ông Biden hay nhiều quan chức đảng Dân chủ ủng hộ bà Harris không đồng nghĩa bà nghiễm nhiên trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ sẽ tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ để lựa chọn ứng viên Tổng thống tại Đại hội Toàn quốc của đảng dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 tới.
Khi đó, bà Harris sẽ phải đối mặt với hàng loạt ứng viên sáng giá khác của đảng Dân chủ như Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang California Gavin Newsom và Thượng nghị sĩ bang Arizona Mark Kelly.
Một thách thức khác đối với bà Harris là nhiều nhà tài trợ tỏ ra không hào hứng với khả năng bà trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ nhất là khi họ từng phải chứng kiến bà chật vật gây quỹ tranh cử 4 năm trước đó.
Sự thất vọng càng được đẩy lên cao vào cuối tuần qua khi bà thay mặt ông Biden chủ trì cuộc họp trực tuyến với một vài nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ. Không chỉ xuất hiện muộn tới 30 phút, bà Harris còn vội vã dừng cuộc họp chỉ sau vài phút trao đổi ngắn ngủi.
Các nhà tài trợ, đứng đầu là CEO LinkedIn Reid Hoffman đã rất mong đợi có một cuộc trao đổi thú vị và nhiều thông tin hơn song theo ông, bà chỉ nói vỏn vẹn là chúng ta sẽ giành chiến thắng.
Bên cạnh đó, thời gian hơn 100 ngày trước thềm cuộc bầu cử được cho là quá ngắn ngủi để bà Harris có thể vận động tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà. Theo quy định của luật bầu cử liên bang, khi một ứng viên Tổng thống rút lui, số tiền gây quỹ mà người đó nhận được sẽ phải trao lại cho ủy ban bầu cử của đảng mà ứng viên đó ra tranh cử chứ không được trao cho người được lựa chọn thay thế.
Hơn thế nữa, luật bầu cử liên bang cũng giới hạn mức tối đa mà ứng viên Tổng thống có thể gây quỹ từ một nhà tài trợ là 3.300 USD cho cả chiến dịch bầu cử sơ bộ và bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, nếu họ rút lui trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra, họ sẽ phải trả lại số tiền đóng góp lại cho các nhà tài trợ như bà Hillary Clinton đã làm trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2008 trước đối thủ cùng đảng Dân chủ là ông Barack Obama năm 2008.
Một thách thức khác không thể bỏ qua chính là việc đối thủ của bà Harris, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ dễ dàng đánh bại bà Harris nếu bà trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ vì cho rằng bà là "phiên bản 2.0" của ông Biden.
Theo nhóm vận động tranh cử cho ông Trump, có 2 vấn đề mà họ có thể xoáy vào để công kích bà Harris như từng làm với ông Biden là chính sách nhập cư vốn bị đảng Cộng hòa chỉ trích là khiến hàng triệu người vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ và chính sách kinh tế khi giá thực phẩm và năng lượng liên tục tăng cao khiến cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận