Dù bị UBND tỉnh Thái Bình thu hồi hơn 200.000m2 và tài sản trên đất giao cho một doanh nghiệp khác thực hiện dự án, nhưng đã hơn 6 năm nay, Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Thái Bình vẫn chưa nhận được tiền đền bù.
Khó khăn chồng chất
Chỉ tay về khu đất hơn rộng hơn 200.00m2 tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, ông Lê Tuấn Nghiêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Thái Bình (gọi tắt là Công ty Tàu thủy Thái Bình) thở dài: “Trên diện tích này, Công ty tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, trang thiết bị máy móc…”.
Năm 2006, sau khi gia nhập Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công ty Tàu thủy Thái Bình được giao thực hiện Dự án xây dựng nhà máy đóng tàu và cảng Tân Đệ tại xã Dũng Nghĩa. Tháng 1/2008, Công ty nhận bàn giao đất trên thực địa và đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Bình.
Sau đó, Công ty đã lập dự án, đánh giá tác động môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn vật liệu nổ, san lấp mặt bằng, thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm thiết bị máy móc… Tổng chi phí đầu tư để thực hiện là 22,914 tỷ đồng.
Do khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2010 và hệ lụy kéo dài ở những năm tiếp theo nên Công ty Tàu thủy Thái Bình chưa thực hiện được Dự án như tiến độ đã cam kết với tỉnh Thái Bình. Do đó, ngày 10/3/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thu hồi đất dự án của Công ty và giao cho Sở Tài chính tỉnh chủ trì xử lý giá trị còn lại của tài sản trên đất thu hồi (đền bù) của công ty theo quy định.
Tuy nhiên, trong khi chưa xác định xong giá trị tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi, thì tháng 1/2017, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản tạm giao hơn 200.000m2 đất này cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở TN&MT, để sau đó 200.000m2 đất được tạm bàn giao cho Tập đoàn TH (TH true Milk). Đến ngày 24/2/2017, Tập đoàn TH đã khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ngay trên thửa đất Công ty Tàu thủy Thái Bình đang đứng tên quyền sở hữu và chưa được đền bù theo quy định của pháp luật.
“Công ty tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Tập đoàn TH dừng ngay việc triển khai dự án trên đất đang có tài sản, có giá trị thuộc sở hữu của Công ty Tàu thủy Thái Bình. Khi chưa xác định giá trị tài sản trên khu đất này thì UBND tỉnh Thái Bình không thể giao đất cho đơn vị khác được”, ông Nghiêm bất bình.
Sau nhiều lần kiến nghị, đến ngày 12/7/2018 (sau hơn 4 năm có quyết định thu hồi đất), UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành quyết định phê duyệt giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi là 13,8 tỷ đồng; đơn vị được UBND tỉnh cho thuê đất có trách nhiệm thanh toán khoản tiền này.
“Dù biết là thiệt thòi vì bị thu hồi đất gần 3 năm mới được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi nhưng công ty chúng tôi cũng chấp nhận phương án này vì mong nhanh chóng có tiền để thanh toán công nợ. Tuy nhiên, thêm 3 năm nữa từ khi có quyết định số tiền đền bù, Công ty Tàu thủy Thái Bình vẫn chưa nhận được bất cứ khoản thanh toán nào, khiến công nợ của công ty thêm chồng chất”, ông Nghiêm nói.
Giao đất khi chưa có quyết định thu hồi?
Suốt quá trình đi đòi quyền lợi hợp pháp của công ty mình, ông Lê Tuấn Nghiên chưa hiểu được lý do, căn cứ pháp lý nào để UBND tỉnh ban hành văn bản tạm bàn giao thửa đất mà công ty đang đứng tên (có thời hạn sử dụng đất đến ngày 31/12/2056) cho Tập đoàn TH. Văn bản này có nội dung: “Giao diện tích đất đã thu hồi” lại càng sai, vì tỉnh chưa hề có một quyết định cụ thể nào về việc thu hồi đất. “Công ty Tàu thuỷ Thái Bình vẫn là chủ sử dụng hợp pháp của khu đất”, ông Nghiên nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hải Đăng, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự việc của Công ty Tàu thủy Thái Bình. Sự việc cụ thể thế nào thì phải tìm hiểu sau”.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, theo Điều 53 Luật Đất đai, việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.
“Việc chưa đền bù xong cho Công ty Tàu thủy Thái Bình mà đã giao đất cho Tập đoàn TH để động thổ và làm lễ khởi công dự án mới là trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Thực tế khái niệm “tạm giao đất” lại càng khẳng định văn bản của UBND tỉnh Thái Bình được ban hành sai luật. Trong nhiều năm, việc không giải quyết số tiền đầu tư trên đất của Công ty Tàu thủy Thái Bình đã gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, phía Công ty có thể làm đơn tố cáo hoặc kiện ra tòa”, Luật sư Bình phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận