Y tế

Thai phụ tiêm vaccine phòng cúm mùa có ảnh hưởng thai nhi?

13/06/2024, 16:45

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa có nguy cơ để lại biến chứng, tiêm vaccine được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều thai phụ băn khoăn liệu tiêm vaccine trong thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi?

Chị Nguyễn Hồng Nhung (23 tuổi, ở Hà Nội) vốn "nhậy" với cúm mùa. Năm nào chị cũng dính 1-2 lần cúm trong năm và luôn khiến cơ thể khật khừ, rất mệt mỏi. Tuy nhiên, 2 năm nay nhờ tiêm vaccine phòng cúm đều đặn nên dù mắc cúm nhưng triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều. "Năm nay tôi định đi tiêm thì biết mình mang bầu, nên khá băn khoăn không biết có nên tiêm vaccine phòng cúm mùa hay không, liệu có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?".

Thai phụ tiêm vaccine phòng cúm mùa có ảnh hưởng thai nhi?- Ảnh 1.

Thai phụ nên tiêm vaccine cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm mùa và các biến chứng của bệnh này. (Ảnh minh họa).

Trước băn khoăn của chị Nhung, dược sĩ Lê Bích Giang, Hệ thống phòng tiêm chủng Safpo/Potec chia sẻ, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi vi rút cúm (Influenza virus), có tính lây lan cao, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu trong đó có phụ nữ mang thai.

Cúm mùa không phải là cảm lạnh thông thường, nó xuất hiện đột ngột với nhiều triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ho và đau họng. Và cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng như viêm xoang, viêm tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra. Viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm vi rút cúm đơn thuần hoặc do nhiễm đồng thời vi rút cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể có thể kể đến bao gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc viêm cơ và suy đa cơ quan.

Do vậy, theo bà Giang, phụ nữ khi mang thai do có nhiều thay đổi về cơ thể, đặc biệt là có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi, cơ thể thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh.

Ở phụ nữ mang thai, khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh kéo dài hơn người bình thường. Trung bình đối với người bình thường, bệnh cúm thường kéo dài từ 3 - 5 ngày nhưng đối với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn (7-10 ngày). Nếu bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ. Tình trạng viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn người thường và có nguy cơ nhập viện cao hơn. Một số nghiên cứu ghi nhận phụ nữ mang thai mắc cúm có nguy cơ nhập viện cao hơn gấp đôi so với phụ nữ không mang thai.

Đối với thai nhi, vi rút cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh mà khi mẹ sốt cao kết hợp với độc tính của vi rút cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

"Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng của cúm mùa là tiêm vaccine cúm hàng năm. Việc tiêm phòng cúm khi mang thai (vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ) sẽ vừa giúp ngăn ngừa cúm và giảm biến chứng cúm cho người mẹ, vừa ngăn ngừa nguy cơ cho thai nhi và bảo vệ em bé ngay sau khi sinh", dược sĩ Giang cho biết. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ có thai là nhóm ưu tiên cao nhất tiêm vaccine phòng bệnh cúm mùa. Việc tiêm phòng đã được chứng minh giúp giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm và giảm trung bình 40% nguy cơ nhập viện vì cúm ở phụ nữ mang thai.

Tiêm vaccine cúm cũng giúp giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non và giảm 72% nguy cơ trẻ nhũ nhi (<6 tháng tuổi) nhập viện do cúm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.