Ngày 12/10, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Nhật Bản thử nghiệm một loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp vi rút gây bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin này.
Trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa như mong muốn, nhất là với vi rút tuýp DEN 2 gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên với vắc xin phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp DEN1, DEN2, DEN3, DEN4, do đó một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp vi rút khác nhau và sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đã mắc. Tại Việt Nam, tuýp vi rút sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là DEN1, DEN2.
Tính từ đầu năm đến tháng 10/2023, cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.
PGS.TS. BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay có những điểm khác so với mọi năm. Dịch xuất hiện sớm hơn, kéo dài hơn, số ca mắc và ca chuyển nặng đều tăng hơn, trong khi độc lực của vi rút không thay đổi, chủ yếu vẫn là vi rút DEN 2.
Hiện chưa có vắc xin nên để theo dõi và điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, tránh biến chứng, BS Cương lưu ý: Trong ngày đầu phát bệnh cần làm ngay các xét nghiệm cần thiết. Xét nghiệm công thức máu cần lưu ý 2 chỉ số quan trọng. Đó là số lượng tiểu cầu, nếu tiểu cầu thấp < 100 G/L cần nhập viện theo dõi điều trị. Và chỉ số hematocrit (hay còn gọi tắt là hct), nếu tăng cao 20% so với bình thường, tức là máu bị cô đặc.
Ở giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 3), thường không nặng, có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 4 đến ngày thứ 7), nếu bệnh nhân thấy mệt mỏi, đau bụng, chân tay lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi ngoài, đi tiểu ra máu... cần đến ngay cơ sở y tế để nhập viện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận