Xã hội

Tham nhũng vặt đã giảm, người dân còn phải "lót tay" những chỗ nào?

28/04/2020, 13:37

45% người dân phải chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh; 31% để làm xong sổ đỏ; 31% phụ huynh chi thêm tiền để học sinh được quan tâm.

img
Theo PAPI, tỷ lệ 'lót tay' xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định trong nhiều năm (ảnh minh họa)

Người dân hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng

Sáng 28/4, chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) chính thức công bố chỉ số PAPI 2019.

Chỉ số PAPI là kết quả hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Chỉ số PAPI nhằm đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh/thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công. Tuy nhiên, khoảng 20 - 40% người dân tiếp tục cho rằng, tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công.

Khảo sát PAPI cũng cho biết, tỷ lệ người dân nhận xét phải chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh, năm 2019 là 45% (năm 2018 là 46%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 31% (năm 2018 là 32%); phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được quan tâm là 31% (năm 2018 là 31%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy phép xây dựng là 30% (năm 2018 là 32%)

Thứ hạng trong PAPI 2019 ra sao?

Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.

Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Nhưng mức điểm này thấp hơn điểm của chính Bến Tre tại PAPI 2018. Năm ngoái, Bến Tre đạt 47,5 điểm.

Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.

Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP. HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.