Tuyến đường sắt Yiwu (Trung Quốc) - Madrid (Tây Ban Nha) dài hơn 13 nghìn km, được khánh thành tháng 11/2014 |
Tại phiên họp Quốc hội ngày 8/3 vừa rồi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, chính sách ngoại giao của nước này trong năm 2015 sẽ tập trung thúc đẩy các sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Bành trướng địa chính trị
Trung Quốc tham vọng xây dựng Con đường tơ lụa mới là tuyến đường sắt cao tốc Á - Âu, chạy qua đại lục, kết nối Trung Quốc với các khu vực khác như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á. Kế hoạch có thành công bước đầu với tuyến đường sắt dài nhất thế giới, kết nối châu Á và châu Âu, đó là tuyến đường sắt Yiwu - Madrid dài hơn 13 nghìn km, được khánh thành tháng 11/2014. Tuyến đường này đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Pháp và tới Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Công trình này là một trong những dự án tham vọng kết nối kinh tế toàn cầu của Trung Quốc.
Một số chuyên gia nói rằng, dự án Con đường tơ lụa mới có tính địa chính trị với các mục đích để kết nối chặt chẽ hơn các nguồn cung cấp hàng hóa, trao đổi thương mại giữa các thị trường ở châu Âu và châu Á.
Năm 2014, Tân Hoa xã đã công bố bản đồ mô tả Con đường tơ lụa mới cả trên đất liền và trên biển. Theo đó, một tuyến đường sắt thương mại khác được đề xuất sẽ đi tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường này sẽ bắt đầu ở Tân An, miền Trung Trung Quốc rồi kéo dài sang phía Tây, gần biên giới Kazakhstan, chạy về phía Tây Nam từ Trung Á đến phía Bắc Iran rồi vòng qua phía Tây Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đó, nó đi qua eo biển Bosphorus và phía Tây Bắc châu Âu bao gồm Bulgaria, Romania, CH Séc và Đức, sau đó đến Hà Lan và tới Venice, Italia.
Bên cạnh Con đường tơ lụa mới còn có Con đường tơ lụa trên biển, bắt nguồn từ các cảng biển Trung Quốc và bao trọn các vùng biển Á - Âu. Con đường tơ lụa trên biển bắt đầu từ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến theo hướng Nam tới eo biển Malacca, kéo đến Kolkata của Ấn Độ rồi đi tiếp sang Nairobi của Kenya, qua vùng Sừng châu Phi rồi chạy qua Biển Đỏ vào Địa Trung Hải, có một chặng dừng tại Athens trước khi gặp Con đường tơ lụa trên đất liền ở Venice.
Kênh đào Kra ở miền Nam Thái Lan, do Trung Quốc xây dựng, sẽ sớm đi vào hoạt động, kết nối Con đường tơ lụa trên biển với các nước thân thiện với Trung Quốc như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, nhằm giảm tầm ảnh hưởng của eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát. Trung Quốc cũng quan tâm đến tuyến đường biển phía Bắc, đi qua Bắc Băng Dương do Nga kiểm soát.
Đế chế Á - Âu mới?
Trong lịch sử, đã có hai nỗ lực nhằm tạo dựng một đế chế trải dài trên các vùng đất Á - Âu, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương. Đế chế đầu tiên được tạo dựng bởi người Mông Cổ vào thế kỷ XIII và XIV, trải từ vùng biển Nhật Bản, biển Đông tới Địa Trung Hải. Cả Trung Quốc và một phần nước Nga khi đó đều nằm dưới sự cai trị của đế chế Mông Cổ. Đế chế trên bộ lớn nhất trong lịch sử này không tồn tại lâu với tư cách là một khối thống nhất, do nhiều yếu tố trong đó có sự tranh chấp quyền kế vị sau Thành Cát Tư Hãn.
Theo giới chức Trung Quốc, mục đích của việc xây dựng “vành đai tơ lụa trên đất liền” và “con đường tơ lụa trên biển” là tạo cơ sở hạ tầng rộng lớn kết nối nước này với Trung Á và Trung Đông, để từ đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị với toàn khu vực Á - Âu. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết đóng góp 40 tỷ USD để xây dựng nguồn quỹ phát triển hạ tầng Con đường tơ lụa mới trên đất liền. |
Người ta cho rằng, Nga chịu sự ảnh hưởng của cả đế chế Mông Cổ và đế chế La Mã. Vì thế, các Sa hoàng là những người tiếp theo đã cố gây dựng một đế chế Á - Âu, trải từ Baltic và eo biển Bosphurus đến Manchuria (vùng Mãn Châu) và các bờ biển Thái Bình Dương. Nhưng họ chỉ thành công một phần, vì họ chưa bao giờ trở thành lực lượng thống trị quyền lực trên lục địa. Những người nắm giữ quyền lực tối cao ở Nga khi đó đã vấp phải sự kháng cự từ nhiều phía, gồm các nước châu Âu ở phía Tây, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam và Nhật Bản ở phía Đông.
Theo dự đoán của nhà địa lý người Anh, Halford Mackinder hồi năm 1904, một đế quốc Âu - Á sẽ hình thành nằm vắt qua hai châu lục. Khi đó, ông nghĩ đó sẽ là Nga. Nhưng ngày nay, chính Trung Quốc với tham vọng xây lại Con đường tơ lụa đang là quốc gia thực hiện kế hoạch kết nối Âu với Á.
Không giống như những nhà thống trị Mông Cổ và Nga thời trước, dựa chủ yếu vào quân đội và sự áp bức, ngày nay, người Trung Quốc đang triển khai quyền lực kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói, kiểu “đế chế” mà Trung Quốc đang muốn hướng tới là một vùng liên kết kinh tế với Trung Quốc làm trung tâm, tương tự như Liên minh châu Âu do Đức đứng đầu hay Mercosur (Khối thịnh vượng chung châu Mỹ) do Brasil đứng đầu. Tham vọng của Trung Quốc đang khiến cho một số nước quan ngại, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Những nước này lo ngại, không loại trừ khả năng Con đường tơ lụa có thể là một bước đi nhằm củng cố sức mạnh cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận