Theo hãng tin CNN, bức thư được ông Paul Cassell, luật sư đại diện cho thân nhân các nạn nhân 2 vụ rơi máy bay nói trên, gửi cho Bộ Tư pháp Mỹ ngày 19/6, đã cáo buộc Boeing "gây tội ác chết người lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".
"Hành động phù hợp nhất lúc này là thực hiện một vụ xét xử hình sự nghiêm khắc dành cho Boeing, bao gồm cả những quan chức chịu trách nhiệm cho tập đoàn như cựu CEO Dennis Muilenburg. Để tránh thời hạn pháp lý liên quan đến vụ việc này sắp chấm dứt, Bộ Tư pháp cần bắt đầu phiên xét xử ngay lập tức", bức thư nêu rõ.
Bức thư cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tiến hành giám sát độc lập để bảo đảm an toàn của Boeing và trực tiếp chỉ đạo Boeing cải thiện chất lượng sản phẩm.
Trước đó, hồi tháng 5, Bộ Tư pháp đã cảnh báo Boeing vi phạm các thỏa thuận năm 2021 để tránh bị xét xử sau vụ một chiếc máy bay Boeing của hãng Alaska Airlines bị bung cánh cửa khi đang bay trên bầu trời không lâu sau khi cất cánh hồi tháng 1.
Trong bức thư gửi các thân nhân vào thời điểm đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vẫn chưa ra quyết định về cách thức xử lý vụ việc và Boeing có cơ hội để phản hồi về cáo buộc vi phạm thỏa thuận hồi năm 2021 cũng như các bước đi của hãng nhằm giải quyết vấn đề. Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ thông báo với Tòa án trước ngày 7/7 về cách thức xử lý vụ việc.
Đáp lại, Boeing khẳng định hãng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận năm 2021.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi tôn trọng thỏa thuận đó và luôn mong chờ cơ hội được phúc đáp Bộ Tư pháp về vấn đề này. Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Bộ Tư pháp một cách minh bạch như đã làm đối với toàn bộ thỏa thuận" - theo thông báo từ Boeing.
Ngày 18/6, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, CEO Boeing Dave Calhoun đã gửi lời xin lỗi đến thân nhân các nạn nhân 2 vụ rơi máy bay Boeing 737 Max diễn ra trước thời điểm ông làm CEO của hãng. Ông Calhoun thừa nhận Boeing "còn xa mới đạt được sự hoàn hảo" và còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của công chúng.
Thỏa thuận tránh bị xét xử mà Boeing đạt được với Bộ Tư pháp Mỹ vốn vấp phải chỉ trích gay gắt của thân nhân các nạn nhân và một vài thành viên Quốc hội Mỹ.
Boeing khi đó chấp thuận chi trả số tiền bồi thường trị giá 2,5 tỷ USD nhưng phần lớn số tiền này – khoảng 1,77 tỷ USD – được dành cho các hãng hàng không sở hữu 2 chiếc máy bay gặp nạn và Boeing chỉ chấp nhận thành lập một quỹ với số tiền 500 triệu USD để bồi thường cho các nạn nhân và chấp nhận nộp tiền phạt 244 triệu USD cho các cơ quan chính phủ Mỹ.
Số tiền 24 tỷ USD mà thân nhân các nạn nhân đòi Bộ Tư pháp Mỹ phạt Boeing dù khá nhiều nhưng vẫn thấp hơn số tiền lỗ lên tới 31,9 tỷ USD trong các hoạt động chính mà Boeing báo cáo kể từ vụ rơi máy bay năm 2019 khiến doanh số và tiến độ giao máy bay 737 Max – dòng máy bay bán chạy nhất của hãng bị ảnh hưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận