Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 40, diễn ra trong 2 ngày 10-11/12.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nếu như Chính phủ không có tờ trình nào đột xuất cho các vấn đề cấp bách thì đây sẽ là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự kiến giữa tháng 2/2025, Trung ương Đảng sẽ họp, đến cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa đổi một số điều các luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)...
Thông tin về nội dung tại phiên họp thứ 40 này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình; bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các chương trình công tác cho năm 2025 như Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Đồng thời xem xét đề nghị bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gồm: dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Luật sư (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024); cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cho ý kiến về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, trong trường hợp các cơ quan chuẩn bị kịp tài liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức chi phí tổ chức và hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua, rút ngắn thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất, khơi thông các dòng tín dụng, ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Dự kiến các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết kỳ 8 là: 122 văn bản, trong đó có 60 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 thông tư.
Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận