Theo đó, Thông tư 29/2024 của Bộ GTVT quy định công chức thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc tổ chức tham mưu giúp việc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT; đơn vị trực thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.
Ngoài đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của Luật Thanh tra thì công chức thanh tra chuyên ngành của Cục Đường bộ VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thuỷ nội địa VN phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm về một trong các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực GTVT, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, công nghệ thông tin, viễn thông, luật, kinh tế, tài chính.
Trong khi đó, công chức thanh tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm về một trong các chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm phương tiện, thiết bị GTVT hoặc một trong các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực luật, tài chính.
Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT quyết định phân công, thôi phân công công chức thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của Trưởng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành.
Công chức được thôi phân công công chức thanh tra chuyên ngành khi thuộc một trong các trường hợp như: thôi việc; nghỉ hưu; chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà không liên quan đến lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm ở ngạch công chức hiện giữ; kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị phân công công chức thanh tra chuyên ngành; vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện công việc của công chức thanh tra.
Ngoài ra nếu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra; bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cũng sẽ bị thôi phân công công chức thanh tra chuyên ngành.
Thông tư cũng quy định về thẻ thanh tra chuyên ngành được cấp cho công chức thanh tra chuyên ngành để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, Chánh Thanh tra Bộ GTVT quyết định cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.
Thời hạn sử dụng của thẻ thanh tra chuyên ngành là 5 năm kể từ ngày cấp, bao gồm thẻ cấp mới, cấp đổi, cấp lại. Đối với công chức thanh tra chuyên ngành có thời gian công tác còn lại dưới 5 năm thì thời hạn sử dụng của thẻ thanh tra chuyên ngành tính đến thời điểm công chức nghỉ hưu theo quy định.
Mỗi công chức thanh tra chuyên ngành sẽ được cấp một mã số thẻ thanh tra gồm 3 phần, giữa các phần có dấu gạch ngang. Phần thứ nhất gồm một chữ cái in hoa và hai chữ số: A06. Phần thứ hai gồm các chữ cái in hoa để phân biệt cơ quan sử dụng công chức thanh tra chuyên ngành, cụ thể như sau: Cục Đường bộ VN là CĐBVN; Cục Đường sắt VN là CĐSVN; Cục Đường thủy nội địa VN là CĐTNĐVN; Cục Đăng kiểm VN là CĐKVN.
Phần thứ ba gồm ba chữ số, bắt đầu từ 001, là số thứ tự công chức thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.
Mã số thẻ thanh tra chuyên ngành không thay đổi trong trường hợp công chức thanh tra chuyên ngành được điều động, luân chuyển trong cùng một cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà không thuộc trường hợp thôi phân công công chức thanh tra chuyên ngành.
Và được cấp mã số mới trong trường hợp công chức thanh tra chuyên ngành chuyển công tác sang cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khác.
Về nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thông tư quy định tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật chuyên ngành GTVT đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận