Có đến tận bản Rào Tre, xã Hương Liên của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mới cảm nhận hết sự khó khăn, vất vả của các cô giáo mầm non và học sinh vùng cao. Câu chuyện của những người trong cuộc thật cảm động và cho thấy biết bao sự gian nan để đưa con chữ lên ngàn.
Thay phụ huynh vệ sinh cá nhân, đưa trẻ đến trường...
Xuất phát từ thành phố Hà Tĩnh lúc trời còn tinh mơ với cái se se lạnh đầu đông. Sau 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến được với bản Rào Tre, xã Hương Liên - nơi có đông đồng bào dân tộc Chứt sinh sống.
Với "thành tích" 23 năm cắm bản Rào Tre, cô Hương được ví như người mẹ thứ 2 của lớp trẻ dân tộc Chứt
Thời điểm PV có mặt tại bản Rào Tre cũng là lúc 2 giáo viên “cắm bản” Hoàng Thị Hương và Lê Thị Thành (Trường mầm non Hương Liên, điểm trường bản Rào Tre) đang hoàn tất việc dọn dẹp, nấu ăn buổi sáng để còn kịp thời gian đến nhà từng người dân để đón các cháu đến lớp.
Khác với các giáo viên vùng xuôi, công việc mỗi ngày của 2 cô giáo mầm non ở đây mỗi buổi sáng là ngồi xe máy vượt cung đường bê tông dài 3km lởm chởm ổ gà đầy nước đọng từ trận mưa tối qua để đến khu Tái định cư chở các cháu đến lớp.
Gạt chân chống dừng xe trước cổng nhà của 2 chị em Hồ Quốc Nguyên (3 tuổi) và Hồ Hoài Ly (4 tuổi). Cô Hương nói với chúng tôi, “phụ huynh 2 em Nguyên và Ly là đang chăm nhau ốm ở bệnh viện, 2 chị em ở với bà”. Sau khi giúp 2 chị em vệ sinh cá nhân, 2 cô giáo chở theo 2 chị em lên xe để đến điểm trường cho kịp giờ ăn sáng.
Khác với các cô giáo dưới xuôi, các cô ở đây sáng sớm phải đi xe máy đến nhà các cháu để nhắc nhở phụ huynh gọi các cháu dậy rồi chở đến trường
“Cuộc sống của bà con dân tộc Chứt ở đây còn nhiều khó khăn. Có nhiều gia đình muốn đưa đón các em học sinh đi học cho đỡ vất vả nhưng vì phương tiện đi lại không tiện nên các cô phải đưa đón”, cô Thành kể.
Điểm trường bản Rào Tre có 12 cháu nhưng chỉ có 2 cháu gần nhà nên bố mẹ đi bộ đưa đến lớp, còn lại 10 cháu cô giáo phải đến tận nhà đưa, đón. Ngày 2 lượt, sáng và chiều tối "đều như vắt chanh". Trước đây khi chưa tổ chức bán trú, giáo viên “cắm bản” ở Rào Tre phải đưa, đón 4 lượt cả đi lẫn về. Đến trường được ăn những bữa ăn ngon hơn và được cô giáo dạy nhiều điều bổ ích nên trẻ Rào Tre thích được đến lớp.
Trẻ em dân tộc Chứt ở Rào Tre được hỗ trợ tiền ăn bán trú mỗi ngày 16 nghìn đồng/em, riêng ăn sáng được tài trợ mỗi em 5 nghìn đồng/ngày. Các cô phải xin thêm quần áo, làm tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ thay phụ huynh, từ giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ đến hồ sơ nhận tiền ăn…
Các cô tự ứng tiền ăn trước cho học sinh, đến cuối quý hoặc cuối kỳ mới làm hồ sơ quyết toán, có phụ huynh sau khi ký nhận tiền ăn của con còn xin cô luôn, thấy thương nên cô không đành lấy.
Dành cả thanh xuân để “cắm bản, cắm trường”
Nhớ lại thời điểm mới đến bản Rào Tre, cô Hương kể: “Năm 1999, tôi tình nguyện về bản dạy chữ cho học sinh mầm non người Chứt. Lớp học lúc ấy phải ở tạm nhà dân, lớp không một bóng học sinh.
Tôi lúc đó cùng với các anh bộ đội biên phòng phải nhờ già làng Hồ Púc đi cùng đến từng nhà thuyết phục phụ huynh, đưa các cháu đến lớp học. Giai đoạn đó suốt buổi học, già làng Hồ Púc ngồi chờ bên ngoài, cuối buổi cô giáo Hương lại cùng ông đưa từng cháu về nhà. Phải mất gần 2 năm trời phụ huynh quen mặt, cô giáo Hương mới có thể tự mình đảm đương công việc mà lẽ ra là thuộc trách nhiệm của phụ huynh”.
Rào Tre bây giờ đổi khác nhiều, đã có chiếc cầu bắc qua con sông Ngàn Sâu hung dữ. Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, điểm trường Rào Tre lúc này đã khang trang, tiện nghi hơn hẳn.
Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị hỗ trợ phương tiện để đón trẻ để hỗ trợ cho các cô giáo cắm bản
Người Chứt ở Rào Tre không có ngôn ngữ viết mà chỉ có tiếng nói. Thông qua giao tiếp, học hỏi, cô Hương đã thành thục thổ ngữ của đồng bào nơi đây. 23 năm “cắm bản” dường như cô giáo Hương đã trở thành một thành viên không thể tách rời khỏi Rào Tre.
Còn đối với cô Thành, về điểm trường Rào Tre công tác 2 năm nhưng đã thấm được nỗi nhọc nhằn nghề gieo chữ ở đất này. Sau khi tốt nghiệp năm 2020, cô Thành được phân công về công tác tại bản Rào Tre. Đa phần các em ở đây ngôn ngữ còn nhiều hạn chế khi mà tiếng phổ thông chưa thông thạo. Do đó, để "gieo con chữ" nơi đây đòi hỏi nhà giáo phải cố gắng, nỗ lực để tìm tòi ra phương pháp, áp dụng phù hợp với mỗi trẻ. Và theo cô giáo trẻ nhận xét, rào cản trở lớn nhất trong quá trình dạy đó là các em còn sử dụng ngôn ngữ bản địa.
Thấu hiểu nỗi khó khăn, gian khổ của các cô giáo “cắm bản” nơi đây, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên chia sẻ: “Dạy học cho các cháu ở vùng cao vốn đã cực rồi, đây các cô còn khó khăn hơn nhiều trong việc gieo con chữ cho con em đồng dân tộc Chứt. Trong các cuộc họp với cấp trên chúng tôi có kiến nghị nhiều lần để tạo điều kiện cho các cô có phương tiện đi lại đón, đưa các cháu thuận tiện hơn nhưng chưa được.
“Ngoài ra, chính quyền xã cũng đề đạt mong muốn cấp trên cho một suất cán bộ cắm tại bản Rào Tre để thuận lợi cho việc quản lý...”, ông Sánh nói.
Theo lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, Phòng rất chia sẻ với những khó khăn của 2 cô giáo cắm bản, vừa rồi UBND xã Hương Liên có đề nghị các cấp về việc hỗ trợ phương tiện đưa đón học sinh dân tộc Chứt ở bản Rào Tre cho các cô đỡ vất vả, tốn kém công sức, tiền bạc.
“Điểm trường mầm non Rào Tre và Trường tiểu học Hương Liên cách khá xa khu Tái định cư cho đồng bào dân tộc Chứt. Sáng sớm, các cháu mầm non đều do cô giáo đến đánh thức, rửa mặt, chở bằng xe máy đến trường, chiều lại đưa về. Còn học sinh tiểu học đến trường bằng xe đạp nhưng mỗi khi mưa rét hoặc nắng nóng gay gắt, nhiều em nghỉ học”, ông Thanh nói.ư
Người Chứt ở bản Rào Tre có nguồn gốc từ người Má Liềng, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trong dãy Kà Đay và con sông Ngàn Sâu, là một tộc người lạc hậu, sống chủ yếu trong hang đá, sinh sống bằng nghề săn bắt, hái lượm.
Vào năm 1991, tộc người Chứt được phát hiện, họ là một nhóm người sống biệt lập trong rừng sâu, xa cách với thế giới bên ngoài. Sau khi phát hiện, người Chứt được đưa về sống tập trung trong những căn nhà kiên cố tại bản Rào Tre, được học tiếng kinh, được hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi và thay đổi sinh hoạt theo lối cũ. Giờ đây đồng bào Chứt phát triển thành bản với 45 hộ và 156 nhân khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận