Nhiều tiềm năng
Chia sẻ về cơ hội phát triển cảng biển ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển cảng biển khi nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí quan trọng thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, thuộc hàng lang kinh tế Đông - Tây.
Tiềm năng nguồn hàng đối với cảng biển Hà Tĩnh hiện đang rất lớn từ lợi thế vị trí địa lý của địa phương - Ảnh minh họa
Hà Tĩnh cũng là lối ra biển gần nhất và thuận lợi của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, có khu kinh tế (KTT) Vũng Áng là một trong 8 KKT trọng điểm ven biển quốc gia.
“Về hệ thống giao thông, Hà Tĩnh hiện có 8 tuyến quốc lộ kết nối giữa các địa bàn nội tỉnh, liên vùng và quốc tế. Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có hai tuyến cao tốc, gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh dài 108km được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và tuyến cao tốc Vũng Áng từ KTT Vũng Áng đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) kết nối với Lào và các nước trong khu vực, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Hiện tại, Hà Tĩnh đã có hai bến cảng cùng 15 cầu cảng đang khai thác. Trong đó, cảng Sơn Dương đã đón tàu chuyên dùng 200.000 tấn; cảng Vũng Áng đón tàu từ 30.000 - 50.000 nghìn tấn.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương được quy hoạch là cảng phục vụ phát triển KT-XH liên vùng tiếp chuyển một phần hàng hóa quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan, có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300.000 tấn, hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn và tàu container trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Hạ tầng kết nối của Hà Tĩnh còn thuận lợi hơn nữa khi có thể nối với 2 sân bay: Đồng Hới và Vinh khi từ TP Hà Tĩnh đến sân bay Vinh chỉ 60km và từ KTT Vũng Áng đến sân bay Đồng Hới chỉ khoảng 70km”, ông Lĩnh chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, hiện nay Hà Tĩnh có 2 KKT, 3 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động.
“Tại Hà Tĩnh đã có nhiều nhà máy có sản lượng hàng hóa lớn như nhà máy thép Formosa với công suất 7 triệu tấn thép và phôi hợp/năm; Nhóm nhà máy sợi, may mặc nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và hàng xuất đi khoảng 1.500 container/năm. Nhóm nhà máy chế biến gỗ nhu cầu sản phẩm đầu ra khoảng 4.200 container/năm, các cụm công nghiệp khác quy mô khoảng 600 - 1.000 container/năm.
Giai đoạn hiện nay, sản lượng hàng hóa nhu cầu hàng container khoảng 7.000 - 8.000 container/năm”, ông Quảng nói và cho biết, sản lượng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi thu hút đầu tư của Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đạt 15 - 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng, với vị thế địa lý thuận lợi, cảng biển Hà Tĩnh sẽ thu hút mạnh nguồn hàng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Lào, Thái Lan và ngược lại (riêng luồng hàng từ Lào, Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Trung Quốc, sản lượng cả năm 2021 dự kiến sẽ tăng 92% so với năm 2020); Tiềm năng là cửa ngõ logistics cho thị trường Lào (do Lào là quốc gia không có biển) và thị trường Đông Bắc Thái Lan.
Đến năm 2030, sản lượng hàng container qua cảng biển Hà Tĩnh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 35 - 70% nếu địa phương có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối, đa dạng phương thức vận chuyển được đẩy mạnh
Hình thành trung tâm logistics, kết nối hàng hóa đến cảng cửa ngõ
Mặc dù tiềm năng hàng hóa lớn, song, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng quốc tế Lào - Việt (đơn vị khai thác cảng Vũng Áng), giai đoạn 2017 - 2021, hàng thông qua cảng Vũng Áng chủ yếu là hàng tổng hợp, chiếm đến 98%. Hàng container và hàng thiết bị chỉ chiếm 2%.
“Từ năm 2022, khi một số nhà máy đi vào hoạt động, các dự án lớn tiếp tục được đầu tư vào các khu kinh tế tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Lào… sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tăng trưởng bình quân 35%/năm. Riêng sản lượng hàng container có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 35 - 70% sản lượng hàng thông qua”, ông Tuấn nhận định.
Là đơn vị đang triển khai tuyến vận tải nội địa Hải Phòng - Vũng Áng - TP.HCM hiệu quả với tần suất 2 - 4 chuyến/tháng, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho rằng để tạo điều kiện cho cảng biển và các tuyến dịch vụ hút hàng, thời gian tới, các cấp chức năng cần nghiên cứu cơ chế cho phép hàng quá cảnh được chuyển cảng hai lần hoặc hàng phế liệu (giấy, thép) được quá cảnh bằng container.
“Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần tăng tốc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối cụm cảng Vũng Áng với Lào, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, tuyến kết nối cao tốc AH15.
Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc xếp nội địa từ doanh nghiệp đến cảng Vũng Áng, chi phí lưu kho tại cảng Vũng Áng và chính sách phù hợp để hãng tàu mở tuyến dịch vụ đến khu vực cảng Vũng Áng nhiều hơn”, đại diện Tân cảng Sài Gòn kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định dịch vụ logistics là một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh cần tập trung tạo đột phá phát triển trong thời kỳ 2021 - 2030, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng gắn kết với khu cảng Vũng Áng, Sơn Dương, tập kết hàng từ KKT, cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Nghệ An để vận chuyển bằng đường biển đến cảng Hải Phòng và các cảng lớn của khu vực như Hong Kong, Singapore, vận chuyển bằng đường bộ đến Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
"Một trung tâm khác cũng được định hướng hình thành tại Đức Thọ nhằm tập kết từ các tỉnh thành trong cả nước vận chuyển bằng đường sắt đến Hà Tĩnh và trung chuyển đến cảng Vũng Áng, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để xuất khẩu.
Tỉnh cũng sẽ phát triển các cảng cạn tại các khu công nghiệp, KKT, QL8, 12C và những nơi có điều kiện thuận lợi để tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa”, ông Lĩnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận