Cầu Đuống có khoang thông thuyền hẹp, thấp gây cản trở vận tải thủy - Ảnh: Phương Hoa |
Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tham mưu cân đối nguồn vốn nội bộ để ưu tiên tăng đầu tư cho xây dựng hạ tầng đường thủy, cũng như “cởi trói” tối đa cho vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển (SB).
Gỡ “điểm nghẽn” vận tải thủy
Ngay đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại việc nhiều khu vực đường thủy rất thuận lợi để phát triển như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng nhưng hàng hóa chậm chuyển từ đường bộ xuống đường thủy, ven biển.
“Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến kết nối các loại hình vận tải, phát triển vận tải thủy, kéo giảm chi phí logistics. Đường thủy, vận tải ven biển chưa phát triển và đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không cục nào đề xuất tháo gỡ. Trách nhiệm của mình ở đâu? Có phải Cục ĐTNĐ Việt Nam, Hàng hải VN quá trì trệ, quan liêu... để đổi mới phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các đơn vị xây dựng, đề xuất về cơ chế, chính sách ưu đãi vốn, tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện, vận tải thủy, ven biển. Trong đó, có cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, HTX vận tải thủy có quy mô lớn như HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) để tạo năng lực vận chuyển lớn, hạn chế tình trạng vận tải manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tập trung kiểm soát chặt chẽ tải trọng đường bộ, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các loại hình vận tải. |
Sau khi lắng nghe lãnh đạo các cục, đơn vị nêu những khó khăn thực tế, Bộ trưởng cho rằng, cần ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn trên các tuyến đường trọng điểm để giải phóng tiềm năng vận tải thủy, ven biển.
“Các cục, đơn vị tham mưu khẩn trương đánh giá, đề xuất cải tạo nâng tĩnh không một số cầu vượt sông trên tuyến đường thủy trọng điểm để xóa bỏ cản trở, giải phóng sức vận tải trên tuyến, khu vực. Trong đó, ưu tiên đầu tư cải tạo các cầu Đuống, Đồng Nai; nâng cấp kênh Chợ Gạo, thúc đẩy tiến độ cải tạo cầu Bình Lợi”, Bộ trưởng chỉ đạo và cho rằng, phải đổi mới tư duy để phát triển vận tải thủy, ven biển, đường sắt và không thể quá khắt khe trong việc xem xét đầu tư tháo gỡ các điểm nghẽn đường thủy.
Để hiện thực hóa việc tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, điều chỉnh nguồn vốn nội bộ của ngành GTVT nhằm tăng nguồn vốn cho xây dựng cơ bản đường thủy để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.
Liên quan việc xóa các nút thắt trên tuyến vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu câu chuyện thực tế là, trước đây cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai gây cản trở lớn cho vận tải thủy, sau khi cầu bị tàu đâm sập và tĩnh không cầu được nâng lên, tàu thuyền qua lại dễ dàng, lưu lượng phương tiện đã tăng lên 30 - 40%. Từ góc độ vận tải thủy cho thấy, việc giải quyết các “nút thắt” trên tuyến sẽ khơi dậy tiềm năng vận tải.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, cầu Đuống có khoang thông thuyền hẹp, thấp và đang là “nút thắt” lớn nhất trên trục hành lang vận tải số 1 ở phía Bắc (Việt Trì - Hải Phòng - Quảng Ninh), khiến tàu chở container không thể chở 2- 3 hàng khi qua cầu. Phương án được đề xuất là cải tạo cầu Đuống có thể nâng, hạ nhịp thông thuyền phục vụ tàu đi qua. Ở phía Nam, cầu Đồng Nai cũ cũng trong tình trạng tương tự, khiến phương tiện thủy không thể chở thẳng hàng hóa từ các khu công nghiệp theo sông Đồng Nai đến thẳng cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cũng khẳng định, nếu cải tạo được cầu Đồng Nai, hàng hóa tuyến này sẽ chuyển xuống đường thủy để đi cảng biển và rẻ hơn nhiều so với đường bộ.
Cởi trói tối đa cho vận tải ven biển
Đề cập vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển (VR-SB), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đồng ý việc doanh nghiệp muốn đóng tàu SB có trọng tải hơn 5.000 tấn phải xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước (do vượt quá trọng tải theo quy hoạch), cũng như việc cảng biển thu mức phí, lệ phí tàu SB có trọng tải hơn 1.000 tấn theo mức tàu biển.
Theo Bộ trưởng, việc quản lý cứng nhắc hoạt động vận tải sẽ kìm hãm phát triển vận tải ven biển. “Phải bỏ ngay việc xin ý kiến để được chấp thuận đóng tàu SB trên 5.000 tấn và trong quy hoạch phương tiện phải bỏ quy hoạch về số lượng phương tiện, để người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh. Các đơn vị cần tăng cường hướng dẫn đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ thông tin đối với tàu SB; nghiên cứu cấp phép vận tải theo hành trình, để tàu SB được chạy xa hơn bờ hơn 12 hải lý ở những vùng biển có điều kiện thủy văn, thời tiết cho phép. Cũng như đề xuất để tàu SB không phải nộp phí, lệ phí cao ở cảng biển”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng đồng tình với đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đối với hạn chế của các cảng biển hiện nay là không có cầu, bến dành cho phương tiện thủy, khiến cho việc kết nối, chuyển tải hàng hóa từ phương tiện thủy và tàu biển khó khăn. Nguyên nhân do những năm trước các cảng biển có quy mô nhỏ, phương tiện ít nên chỉ dùng cho tàu biển, song cũng do việc kết nối với đường thủy ít được quan tâm, dẫn đến những cảng lớn, hiện đại mới được xây dựng có cầu tàu lớn, phương tiện thủy không thể cập vào để bốc dỡ hơn, trong khi cảng biển không có cầu bến dành riêng cho phương tiện thủy.
“Các cảng biển lớn, chẳng hạn như Lạch Huyện, cần bổ sung quy hoạch có cảng, bến dành cho phương tiện thủy để vào chuyển tải hàng hóa cho tàu biển, kết nối vận tải thủy với hàng hải”, Bộ trưởng yêu cầu.
Cũng liên quan đến việc kết nối, Bộ trưởng yêu cầu tất cả giám đốc các cảng vụ hàng hải, đường thủy có mặt tại cuộc họp nêu cao trách nhiệm trong việc chung sức phát triển vận tải, kết nối vận tải với cảng biển. “Lãnh đạo các cảng vụ là người nắm rõ các cảng biển, cảng thủy nội địa nên cần nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo cục từng phương án kết nối vận tải cụ thể của các cảng được giao quản lý. Các anh trực tiếp quản lý cảng mà không đề xuất được thì không biết ai mới có thể đề xuất? Doanh nghiệp vận tải đang tốn nhiều chi phí cho tiêu cực phí, trong đó có chi phí bốc dỡ hàng hóa ở cảng thủy nội địa. Tôi giao Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam phải có giải pháp cho vấn đề này, không thể có chuyện biết mà không xử lý”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận