Thiết kế nhà ga sân bay mới của Bắc Kinh |
Nhiều thập kỷ trở lại đây, Singapore và Hong Kong thay nhau trở thành điểm vận tải quan trọng kết nối, châu Á đến và đi tới phần còn lại của thế giới. Nhưng, trong bối cảnh các nước châu Á ồ ạt đầu tư vào sân bay, ngôi vị của Singapore và Hong Kong đang bị đe dọa.
Ồ ạt đầu tư nâng cấp, xây mới sân bay
Trung tâm Hàng không CAPA có trụ sở tại Sydney, Australia ước tính, tổng số tiền đầu tư nâng cấp và xây dựng sân bay trên thế giới đến nay đã đạt tổng giá trị 1 nghìn tỉ USD. Nghiên cứu của CAPA được công bố cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, toàn thế giới đang chứng kiến mức đầu tư lên đến 255 tỉ USD vào xây dựng các sân bay mới và 845 tỉ USD khác để nâng cấp, xây thêm đường băng, nhà ga. Tất cả các dự án nâng cấp này sẽ trải dài tới năm 2069, theo CAPA.
Trong đó, đầu tư sân bay tại châu Á chiếm tới một nửa tổng giá trị. Hơn nữa, giá trị các dự án xây mới sân bay tại châu Á là hơn 125 tỉ USD trong khi tổng giá trị các dự án tương đương tại Mỹ và Canada chỉ khoảng 3,6 tỉ USD.
Tại Bắc Kinh, một sân bay mới trị giá 12,9 tỉ USD dự kiến sẽ được mở cửa vào năm 2019 và trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới. Sân bay Suvarnabhumi của Bangkok dự định chi 117 tỉ baht (tương đương 3,5 tỉ USD) vào nâng cấp trong đó xây dựng thêm một đường băng thứ 3, tính đến năm 2021. Sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc dự chi 5 nghìn tỉ won (tương đương 5,4 tỉ USD) vào xây dựng nhà ga số 2 với tham vọng trở thành “siêu sân bay” sở hữu trung tâm vận tải hàng đầu của thế giới.
“Đây là cuộc đua giữa các trung tâm vận tải toàn cầu”, ông Torbjorn Karlsson, đối tác trong mảng hàng không dân dụng thuộc Tổ chức Korn Ferry International tại Singapore nhận định. “Câu hỏi đặt ra là những ai sẽ chiến thắng?”, ông Karlsson nhấn mạnh.
Với Hong Kong và Singapore, sự đầu tư rầm rộ này là cuộc khủng hoảng đang chờ trực bùng nổ. “20 năm trước, các sân bay chỉ việc ngồi yên và chờ các hãng hàng không tới khai thác. Đến nay, mọi thứ thay đổi quá nhanh. Rất khó để nói rằng thị trường sẽ luôn là của bạn”, ông Joanna Lu, chuyên gia nghiên cứu về sân bay, hệ thống tuyến, thuộc hãng tư vấn Flight Ascend Consultancy nhận định.
Hàng không thế giới nói chung và châu Á nói riêng không chỉ chứng kiến những thay đổi về hạ tầng sân bay, nhiều tuyến bay, điểm trung chuyển cũng đã thay đổi. Các hãng hàng không China Southern, Hainan Airlines Holding và Chengdu Airlines của Trung Quốc đều đang mở tuyến bay mới nối các thành phố lớn thứ hai, thứ ba Đại lục tới Mỹ, châu Âu, bỏ qua điểm trung chuyển ở Hong Kong.
Sẽ rất đáng ngại với Hong Kong trong thời gian tới khi Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc vừa đặt mục tiêu xây dựng cụm sân bay quanh Thâm Quyến - thành phố giáp ngay phía Bắc của khu tự trị này và thực hiện kế hoạch tương tự tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Hong Kong, Singapore ấp ủ nhiều kế hoạch
Để duy trì vị trí của mình, Singapore và Hong Kong cũng ấp ủ nhiều kế hoạch đầu tư, nâng cấp sân bay với số vốn lên tới hàng chục tỉ USD. Tháng 7 vừa qua, sân bay Changi của Singapore công bố kế hoạch xây dựng nhà ga số 4 với chi phí 1,3 tỉ đô la Singapore (tương đương 950 triệu USD).
Nhà ga số 4 dự kiến được mở vào cuối năm nay, sẽ có hàng chục quầy làm thủ tục check-in tự động, máy tự kiểm tra và nhận hành lý. Changi sẽ là sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng máy quét X-quang cho phép hành khách không cần phải mất công lấy laptop ra khỏi hành lý.
Trong khi đó, Hong Kong dự định chi 141,5 tỉ đô la Hong Kong (tương đương 18 tỉ USD) để xây dựng đường băng số 3. Hong Kong có kế hoạch lấp khu vực bên bờ biển rộng hơn Công viên Quốc gia của New York, xây một đường băng dài 3,8km và xây một nhà ga lớn hơn Nhà Trắng.
Tiếp đó, Hong Kong còn tạo một kết nối giao thông dài 2,6km cho khoảng 30 triệu hành khách mới với các nhà ga hiện tại. Trên trang web đề xuất đường băng thứ 3 của Hong Kong, dự án này được mô tả là “cấp thiết” để duy trì vị trí trung tâm hàng không của đặc khu hành chính. Năm ngoái, sân bay quốc tế Hong Kong đã đón 71 triệu lượt khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận