Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD
Nhận định trên từ ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Phiên Đối ngoại với chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững của các địa phương" được tổ chức chiều 18/12, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao trên thế giới.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 đang diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng chỉ ra điểm sáng: Dù đầu tư toàn cầu đan xen cơ hội và thách thức đó, khu vực Đông Nam Á vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI năm 2022 với lượng vốn tăng thêm khoảng 5%, đạt hơn 220 tỷ USD - cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Để có được thành quả tích cực này, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, đó là nhờ nhiều thành tố quan trọng, trong đó phải kể đến Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng của kinh tế thế giới, với GDP cả năm 2023 dự báo đạt trên 5%.
Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Việt Nam đang "bắt nhịp" kịp thời với các xu thế mới, thích ứng với các quy định mới như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon…
Bên cạnh đó, quan hệ của Việt Nam với các đối tác tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc và nâng tầm.
Đây là cục diện đối ngoại thuận lợi chưa từng có để Việt Nam có thể phát huy hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, đồng thời cũng là cơ hội để các đối tác mở rộng đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao tin tưởng: "Đây sẽ là nền tảng để hợp tác đầu tư chất lượng cao giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác ngày càng bền vững và bao trùm hơn".
Dư địa với Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào thảo luận xu thế, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho địa phương Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao, đề xuất các biện pháp căn cơ nhằm hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững, tăng cường kết nối, xây dựng các mô hình hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng.
Cùng với đó nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm làm hình mẫu cho hợp tác đầu tư xanh.
Chia sẻ tại phiên họp, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao hợp tác của Việt Nam với EuroCham.
Ông Gabor Fluit cho rằng, tầm nhìn về tương lai chung của mối quan hệ song phương được thể hiện trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) - một biểu tượng mạnh mẽ về cam kết cùng tăng trưởng.
Được phê chuẩn 3 năm trước, EVFTA đã đẩy mạnh thương mại song phương và đầu tư giữa Việt Nam và EU, thu hút hơn 26 tỷ USD FDI từ EU vào Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, điểm qua những lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể tăng cường hợp tác, người đứng đầu EuroCham chỉ ra các lĩnh vực như du lịch bền vững. Trong đó, một trong những thách thức cần giải quyết là quản lý chất thải tại các điểm du lịch.
Ngoài ra còn cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). EuroCham hoan nghênh việc hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) song cần phải thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các bộ, ngành.
Cuối cùng, ông Gabor Fluit nhấn mạnh cần có các phương pháp rõ ràng và hiệu quả để khuyến khích đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Còn với ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB), chia sẻ tại hội nghị, ông đã lấy ngay sự tham dự của đông đảo đại diện quốc tế tại phiên họp lần này để điều này chứng tỏ Việt Nam là điểm thu hút FDI rất tốt.
Năm vừa qua chứng kiến nhiều thách thức của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng ấn tượng.
Không chỉ vậy, theo ông Shantanu Chakraborty, công tác đối ngoại của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, thể hiện qua việc đón nhiều nhà lãnh đạo của thế giới thăm chính thức.
Nêu rõ một số định hướng để tăng cường thu hút FDI, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu phải gia tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận