Y tế

Thấy gì từ chuyện F0 bị “bỏ quên” giữa Thủ đô?

17/12/2021, 06:58

Với hơn 80% bệnh nhân Covid-19 nhẹ và ít triệu chứng, việc quản lý, điều trị F0 tại Hà Nội đang đè nặng lên các y tế cơ sở phường, xã.

Tình trạng quá tải đang diễn ra tại nhiều quận, huyện và đã có không ít trường hợp nhiễm Covid-19 mà không biết kêu ai.

Mắc Covid-19, báo y tế phường không ai đến

Theo anh P.V.Đ. (trú tại tầng 16, chung cư HH3A Linh Đàm), ngày 8/12, sau khi lấy mẫu xét nghiệm tại Phòng khám Medlatec Thanh Xuân (Hà Nội), vợ anh có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Ngay sau đó, gia đình đã thông báo cho đại diện trưởng tầng chung cư để có biện pháp phòng chống dịch. Đến ngày 9/12, anh Đ. cùng hai con nhỏ và cư dân cùng tầng được lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả test nhanh, cả gia đình anh Đ. đều dương tính. Tuy nhiên, những ngày sau, chính quyền phường đều không có động thái, thậm chí là điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe.

img

Từ ngày 2/12, Hà Nội đã ban hành hướng dẫn việc quản lý, điều trị F0 tại nhà

Chỉ đến khi sự việc được đại diện nơi cư trú của anh Đ. viết đơn thư kêu cứu, phản ánh rộng khắp tới chính quyền và báo chí, đến tối ngày 14/12, trạm y tế phường mới gọi điện hỏi thăm, hỗ trợ lương thực; cử nhân viên y tế xuống nhà test lại, kiểm tra tải lượng virus, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch, cho cách ly điều trị tại nhà.

“Gia đình tôi thông cảm với phường, cơ quan chức năng bởi nhân lực ít, khối lượng công việc nhiều nhưng quan trọng khi phát hiện ca nhiễm trên địa bàn thì nên có động thái tư vấn y tế, thông báo người dân xung quanh về biện pháp phòng chống dịch, hướng xử lý thế nào để người dân yên tâm”, anh Đ. chia sẻ thêm.

Cũng là F0 bị “bỏ quên”, gia đình chị H.N (trú tại phường Trung Liệt, Đống Đa) có tới 3/4 người đều mắc Covid-19.

Ngay sau khi làm xét nghiệm PCR với kết quả dương tính (ngày 8/12), chị N. đã nhanh chóng báo cáo thông tin tới trạm y tế phường.

Tuy nhiên, ngoài động tác đến giăng dây, phong tỏa, gia đình chị không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ, tư vấn nào từ phía y tế cơ sở.

Sau 6 ngày tự lo thuốc thang, điều trị triệu chứng và cách ly, chồng và con gái nhỏ của chị N. đã có kết quả âm tính, chỉ còn con gái lớn vẫn dương tính nhưng các triệu chứng như sốt, ho và mất khứu giác đều cải thiện tốt.

Tuy nhiên, điều khiến chị N. vô cùng bức xúc là sau 7 ngày báo y tế và không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào, gia đình đã nỗ lực vượt qua Covid-19 thì đến ngày 15/12, không một lời thông báo, lực lượng y tế lại đến gia đình yêu cầu đưa chồng và con chị đi… cách ly tập trung.

“Gia đình rất thông cảm với tình hình quá tải chung của thành phố. Tuy nhiên, việc lực lượng y tế đến yêu cầu đi cách ly tập trung sau khi các F0 đã âm tính là bất hợp lý, máy móc”, chị H.N nói.

Cần quyết liệt triển khai cách ly điều trị F0 tại nhà

Tính tới hết ngày 14/12, Hà Nội có 9.627 trường hợp F0 đang được điều trị. Trong đó, các trạm y tế lưu động đang điều trị 2.832 ca và 727 F0 điều trị tại nhà, chiếm 37% tổng số bệnh nhân.

Đây là những trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Ngoài ra, có 3.737 bệnh nhân đang điều trị tại 4 cơ sở thu dung. Tại các bệnh viện, có 2.331 bệnh nhân có địa chỉ ở Hà Nội đang điều trị.

Với 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn, Hà Nội đang thiếu trầm trọng nhân lực y tế cơ sở. Tại nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi thậm chí lên tới 50.000 dân nhưng một trạm y tế ở phường đó tối đa chỉ 10 người. Trong khi lượng cán bộ này (chủ yếu là nữ giới) chỉ thực hiện theo dõi, quản lý sức khoẻ cho tối đa 13.000 -15.000 dân (nghĩa là chỉ đáp ứng được 30%) trong điều kiện bình thường, chưa kể khi có dịch bệnh nguy hiểm.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc sở Y tế Hà Nội


Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Hà Nội cho biết, việc tập trung hầu hết bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng về trạm y tế lưu động như Hà Nội làm hiện nay là không hợp lý.

“Liệu trạm y tế lưu động cùng nhân lực y tế cơ sở có đáp ứng được việc thu dung với con số ca mắc mới mỗi ngày lên tới 1.000 và khả năng lên đến vài nghìn ca thời gian tới? Hơn nữa, theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, trạm y tế lưu động là nơi cấp cứu ban đầu cho người dân mắc Covid-19 có dấu hiệu trở nặng, là nơi điều phối chung chuyển điều trị bệnh nhân lên tầng 2, 3, chứ không phải là nơi thu dung điều trị”, ông Hùng đặt vấn đề.

Theo ông Hùng, trạm y tế lưu động đang bị “biến” thành bệnh viện dã chiến là chưa đúng, rất nguy hiểm.

Bởi thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn hoàn toàn là y tế cơ sở thì khó đáp ứng được chức năng như bệnh viện dã chiến.

“Hiện Hà Nội loay hoay bài toán giải quyết tầng 1. Đáng nói nếu tầng 1 ách tắc sẽ dẫn đến nhiều hậu quả liên quan đến tầng 2, tầng 3. Nếu giải quyết không tốt tầng 1, tỷ lệ bệnh nhân nặng sẽ tăng lên; người dân trở nặng sẽ khó tiếp cận với bệnh viện hoặc đến bệnh viện muộn, tỷ lệ tử vong tăng”, ông Hùng nhận định.

Dẫn lại bài học từ TP.HCM, khi không giải quyết tốt tầng 1, bệnh nhân trở nặng đến bệnh viện muộn thì cũng không thể cứu sống dù có thầy thuốc giỏi, máy móc tốt, ông Hùng cho rằng, Hà Nội cần tập trung nguồn lực triển khai tốt việc cách ly, điều trị tại nhà cho F0 nhẹ, không triệu chứng.

Làm được điều này mang lại nhiều lợi ích, người dân tự lo được chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, được động viên tinh thần khi được ở tại gia đình...

Còn lực lượng y tế giảm áp lực, tập trung vào chuyên môn tiếp cận với người bệnh để chăm sóc y tế, có thể bằng nhiều cách, trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại thông qua tổ tư vấn, chuyên gia, y tế các cấp, đáp ứng nhu cầu tư vấn y tế khi người dân cần.

Bên cạnh đó, tăng cường phát huy hệ thống y tế tư nhân, kết nối đội ngũ bác sĩ nghỉ hưu, bác sĩ tình nguyện, thậm chí của cả nước tham gia hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn y tế từ xa cho người bệnh điều trị tại nhà… chứ không thể đẩy trách nhiệm toàn bộ lên mỗi cán bộ y tế xã, phường.

Với bối cảnh như hiện nay, vị chuyên gia khuyến cáo: “Người dân khi phát hiện dương tính mà chưa tiếp cận được y tế, nên bình tĩnh, tự cách ly, thông báo cho y tế địa phương. Nếu chưa thể tiếp cận với y tế địa phương thì bằng mọi cách kết nối với người thân, với thầy thuốc mà mình biết để được tư vấn kịp thời…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.