Theo nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) mới đây, Việt Nam nằm trong top 5/25 quốc gia ứng xử trên mạng kém văn minh nhất, cùng với Nam Phi, Peru, Columbia và Nga. Dễ thấy, việc ứng xử kém văn minh bằng những ngôn từ thô tục và xúc phạm những người khiến mình không hài lòng chính là biểu hiện dễ thấy nhất của rất đông cộng đồng mạng Việt Nam. Nhiều người dễ dàng buông những lời kém văn minh, sẵn sàng chửi bới trong mọi vấn đề ở bất cứ lĩnh vực nào từ cả chính trị, đời sống và văn hóa.
Ở lĩnh vực văn hóa giải trí, sao Việt là những đối tượng dễ bị “tấn công” bởi cộng đồng mạng. Nhiều người không ngại dùng những bình luận thô thiển để chê bai, lên án các sao Việt bất chấp sự thật.
Gần đây, ca sĩ Orange phải lên tiếng bức xúc khi bị một bộ phận tự nhận là fan của Jack mỉa mai và chỉ trích, thóa mạ. Thậm chí, những bình luận còn xúc phạm tới cả cha mẹ của nữ ca sĩ.
Hay diễn viên Quỳnh Nga khi đóng vai “tiểu tam” trong bộ phim “Về nhà đi con” cũng từng hứng chịu nhiều bình luận thô tục, chửi bới cô. Nữ diễn viên đã bất bình: “Các bạn có thể chửi Nhã, chửi tôi nhưng đừng lôi cả gia đình bố mẹ tôi vào để chửi, để châm chọc. Thử đặt trường hợp là bản thân ngày ngày nhận được những lời như vậy đến gia đình, các bạn sẽ như thế nào?”, cô phẫn nộ.
Dân gian vẫn có câu “giết người bằng lời nói” và điều đó thể hiện rõ nhất đối với những bình luận trên mạng xã hội. MC Trấn Thành, ca sĩ Sơn Tùng M-TP… thậm chí từng muốn tự tử vì những áp lực từ cộng đồng mạng dành cho những ồn ào của mình.
Theo Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, hành vi ứng xử trên mạng thể hiện phông văn hóa và đạo đức của mỗi người. Có những thứ mà ai đó muốn chia sẻ nhưng không dám chia sẻ ngoài đời thực, họ thường dễ dàng bộc lộ cảm xúc trên mạng vì nghĩ rằng, sẽ không ai biết mình là ai. Do đó, mới xuất hiện những bình luận thô tục, đi ngược chuẩn mực văn hóa.
Anh cho rằng, các cơ quan chức năng, pháp luận cần có những quy chuẩn riêng trong việc ứng xử trên mạng xã hội để mọi người tuân theo. “Muốn tạo những giá trị tích cực cần có hành động tích cực. Những câu chuyện đau lòng xảy ra khi ai đó bị “ném đá” là những bài học, mà mỗi người cần được tác động để thận trọng hơn, bởi bất cứ ai lúc nào đó cũng có thể trở thành nạn nhân”, anh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận