Tài chính

Thầy giáo miền Tây nâng cánh sếu từ vỏ tràm

24/08/2024, 07:30

Thứ tưởng chừng bỏ đi như vỏ tràm khô, qua bàn tay tài hoa, tỉ mẩn của một thầy giáo ở Đồng Tháp lại trở thành món quà độc đáo, ý nghĩa. Hình ảnh vùng đất Đồng Tháp Mười với những cánh sếu tung bay cũng nhờ đó được vươn xa.

Sáng tạo từ chất liệu bỏ đi

Đó là câu chuyện làm tranh từ vỏ tràm của thầy Nguyễn Văn Cảnh (55 tuổi) - giáo viên dạy môn mỹ thuật, Trường Tiểu học Phú Đức (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).

Thầy giáo miền Tây nâng cánh sếu từ vỏ tràm- Ảnh 1.

Tranh sếu vỏ tràm của thầy Cảnh đã theo du khách nước ngoài xuất cảnh.

Dẫn chúng tôi tham quan phòng tranh làm từ vỏ tràm khô với những cánh sếu được phác họa sống động, thầy Cảnh kể: "Đam mê mỹ thuật từ nhỏ, tôi may mắn khi được theo học và làm việc đúng lĩnh vực mình yêu thích. Quá trình học tập, tôi không ngừng thử sức sáng tạo cho sản phẩm. Bức tranh bằng vải vụn - sản phẩm tốt nghiệp của tôi chính là kết quả của quá trình tìm tòi đó".

Mỗi khi đến lớp, tôi đều truyền cảm hứng đam mê mỹ thuật với các học trò và hy vọng tìm được người kế nghiệp. Mong muốn của tôi là sẽ truyền nghề cho những ai có niềm đam mê và xây dựng nên làng nghề để du khách đến có thể dễ dàng tham quan.

Thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh

Từ sản phẩm tốt nghiệp, thầy Cảnh lại trăn trở về chất liệu làm tranh, mày mò sáng tạo những bức tranh làm bằng mùn cưa. Tuy nhiên, qua thực tiễn, thầy nhận ra hai chất liệu vải và mùn cưa vừa khó sản xuất, vừa khó bảo quản. 

"Thật ra, những chất liệu như vải vụn và mùn cưa làm tranh vẫn đẹp, nhưng khó làm và tốn nhiều thời gian. Người chơi tranh cũng phải nắn nót hơn. Trong khi đó, mỗi ngày đều phải lên lớp dạy nên tôi không thể chuyên tâm làm nhiều tranh được", thầy Cảnh chia sẻ.

Trong một lần tình cờ nhìn thấy vỏ tràm khô, thầy đã nảy sinh ý tưởng làm tranh từ chất liệu này. Vỏ tràm có độ bền và màu sắc tự nhiên, lại lớn và có nhiều lớp, nên khi tạo tác sẽ đỡ tốn công, chỉ khắc một lần là sẽ có nhiều hình cần cho một bức tranh.

"Qua tìm hiểu tôi thấy vỏ cây tràm có tới 20 lớp, có 6 màu sắc chủ đạo là xanh dương, trắng, hồng phấn, cam, nâu và xám đen. Những màu sắc này đều do cây tràm tương tác với tự nhiên mà có nên khi làm tranh không cần phải pha màu mà chỉ việc lựa màu phù hợp", thầy Cảnh nói.

Cũng theo thầy Cảnh, khi làm tranh bằng vỏ tràm, không cần phải xử lý hóa chất mà tranh vẫn giữ được lâu. Điều này tương thích với loài cây ưa sống trong điều kiện chua phèn, khắc nghiệt nhưng vẫn phát triển tốt.

"Làm xong bức tranh, tôi chỉ cần xịt lên bề mặt lớp chống ẩm và đóng khung là có thể bảo quản được lâu mà không bị mối mọt. Mỗi cây tràm để làm tranh tuổi phải từ 10 năm trở lên. Với độ tuổi này, vỏ cây tràm đã tương tác nhiều với tự nhiên nên rất bền bỉ", thầy Cảnh nói và cho biết, sau khi tìm được chất liệu phù hợp, thầy nảy ra ý tưởng làm tranh về cánh sếu tung bay.

Thổi hồn vào vỏ tràm

Theo thầy Cảnh, tràm là loài cây đặc trưng của vườn quốc gia Tràm Chim - khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Trong khi, mỗi năm, sếu về vườn một lần, tạo nên sức hút đối với du khách gần xa. Nếu những vỏ tràm được phác họa lên cánh sếu sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho nhiều người.

Thầy giáo miền Tây nâng cánh sếu từ vỏ tràm- Ảnh 2.

Nhờ máy móc, việc làm tranh của thầy Cảnh được thuận lợi hơn.

"Trước đây, khi vẽ những con sếu lên vỏ tràm, cắt thủ công mất rất nhiều thời gian. Bây giờ, tôi đầu tư thêm máy cắt tia laze, mỗi lần cắt ra số lượng hình rất lớn và làm được nhiều tranh hơn", thầy Cảnh chia sẻ.

Thầy Cảnh cho biết thêm, mỗi bức tranh từ lúc bắt đầu làm cho đến khi hoàn thiện mất gần một tuần, với 11 công đoạn. Tổng chi phí sản xuất ra một bức tranh cỡ lớn khoảng 1.400.000 đồng.

Từ năm 2012 đến nay, trong sổ tay thầy Cảnh ghi lại có 3.000 bức tranh sếu được trao đến tay khách hàng. Trong đó, có nhiều du khách là người nước ngoài đến mua và mang về làm quà tặng.

"Thời gian đầu, tôi tiếp thị sản phẩm bằng cách giới thiệu cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Những người này đến mua, tôi bán tranh với giá ưu đãi để giới thiệu cho nhiều người khác. Sau đó, tôi tìm đến những khu du lịch trên địa bàn xin được ký gửi. Thời gian tới, khi có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục tham gia các buổi triển lãm tranh trong và ngoài tỉnh tổ chức", thầy Cảnh cho hay.

Theo tìm hiểu, mỗi bức tranh bằng vỏ tràm khô của thầy Cảnh có giá từ 200.000 - 3.000.000 đồng, tùy kích cỡ. Từ đầu năm đến nay, người thầy giáo tài hoa này đã bán được 500 bức tranh các loại. Trong đó, có 200 bức tranh cỡ nhỏ, 150 bức tranh cỡ trung bình và số còn lại là tranh cỡ lớn.

Sẽ nâng cấp lên 5 sao

Mua tranh và ghé tham quan chỗ làm tranh của thầy Cảnh, một du khách nước ngoài chia sẻ: "Khi được tận mắt chứng kiến thầy Cảnh làm tranh sếu từ vỏ tràm mới thấy sự kỳ công. Từng vỏ tràm được tách ra rất mỏng, rất khó làm, nhưng bằng sự kiên nhẫn, thầy đã tạo nên những bức tranh rất đẹp".

Thầy giáo miền Tây nâng cánh sếu từ vỏ tràm- Ảnh 3.

Để có được một bức tranh sếu vỏ tràm vô, thầy Cảnh mất khoảng 1 tuần và trải qua 11 công đoạn.

Tiếng lành đồn xa, nên dù phải di chuyển từ TP.HCM về Đồng Tháp, chị Trịnh Ngọc Hằng (40 tuổi) cảm thấy xứng đáng khi mua về bức tranh sếu được làm từ vỏ tràm: "Tôi thấy nhà bạn có treo một bức tranh sếu vỏ tràm nên hỏi mới biết chỗ thầy Cảnh làm. Tranh thủ kỳ nghỉ hè, tôi ghé chỗ thầy đặt mua một bức và sẵn tiện ghé tham quan vườn quốc gia Tràm Chim".

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Đức, huyện Tam Nông thông tin, năm 2022, sản phẩm "Tranh vỏ tràm thầy Cảnh" được xã chọn thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời, địa phương hỗ trợ chủ cơ sở đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm và được tỉnh đánh giá đạt 3 sao.

"Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ thầy Cảnh tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ một phần vốn để mua sắm thêm các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thầy Cảnh về hồ sơ đăng ký nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 5 sao và quảng bá, đăng ký sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…", ông Dũng nói.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.