Ảnh minh họa. |
Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền, thì cơ quan, người có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác liên quan. Không ai được giữ, tạm giữ thẻ căn cước công dân, trừ trường hợp quy định tại Luật Căn cước công dân.
Trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, nên sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ dần tiến tới bỏ sổ hộ khẩu.
Bên cạnh đó, các thông tin trên thẻ căn cước công dân được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể chứng minh các thông tin trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần xuất trình một số giấy tờ khác như: Giấy khai sinh; các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; các giấy tờ chứng minh dân tộc của công dân...
Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người sẽ giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là ưu điểm lớn, bởi trên thực tế, trong việc thực hiện giao dịch hàng ngày của chúng ta vẫn có nhiều người dân bị “làm khó” vì thiếu giấy tờ nọ, giấy tờ kia.
Với nhiều tiện ích mà thẻ căn cước công dân đem lại, có thể thấy, đây là bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình, giảm sự phiền hà mà vẫn đảm bảo quyền lợi cá nhân.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang quen với những hình thức giao dịch cũ cũng như các loại giấy tờ cũ. Vì thế, việc chuyển đổi, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân để cấp phát cho người dân cần được thực hiện kỹ lưỡng, có nghiên cứu và bước đi phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận