Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp của Ban cán sự đảng Bộ |
Hạ mức thi đua Thủ trưởng đơn vị nếu văn bản, đề án kém chất lượng
Chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ GTVT sáng 4/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ về số lượng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là số lượng mà chính là chất lượng văn bản.
“Rõ ràng thời gian qua, chất lượng văn bản của ta còn nhiều vấn đề. Đơn cử như Thông tư 45 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2016/TT-BGTVT ngày 1/2/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT Quy định chi tiết Chương trình An ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam”, Bộ trưởng chỉ rõ.
“Cần phải xem văn bản có đi vào cuộc sống hay không? Có tình trạng chạy theo số lượng, thời gian, hình thức mà chưa thực sự quan tâm chất lượng hay không? Nội dung văn bản đã theo kịp thực tiễn, đã hợp lý, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp hay chưa? Một văn bản của chúng ta ban hành ra, cả nước áp dụng, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Thể chế tốt thì ngành đột phá, thể chế tốt thì kinh tế xã hội phát triển. Do đó cần phải rất chặt chẽ, kỹ lưỡng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng nêu rõ: Nghị định ban hành mà Thông tư không ban hành kịp thời hay chất lượng kém, không đạt yêu cầu thì Vụ trưởng, Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm.
“Những đồng chí như thế nhất định không thể hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được” - Bộ trưởng khẳng định.
Xây dựng 80 văn bản quy phạm, đề án trong năm 2018
Trước đó, báo cáo ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết ngày 28/12/2017, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 3672/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.
Trong năm 2018, Bộ GTVT phải hoàn thành xây dựng 71 văn bản, trong đó có việc lập đề nghị và triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực GTVT để phù hợp với Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua; Lập đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ; Tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Hàng không dân dụng; Trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định; Trình Thủ tướng ban hành 02 Quyết định; Trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành theo thẩm quyền 57 Thông tư và gửi Bộ Tài chính ban hành 01 Thông tư.
Tuy nhiên, cũng theo bà Nga, đây chưa phải con số cuối cùng. Trong quá trình tự rà soát và sau mỗi văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất và trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế sẽ tổng hợp, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ.
Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức báo cáo việc rà soát, đề xuất bổ sung điều chỉnh Chương trình xây dựng đề án của Bộ GTVT cho phù hợp với yêu cầu thực tế sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên trong năm 2018. Theo Quyết định số 3580 của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng 9 Đề án (5 Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền và 4 Đề án thuộc thẩm quyền của Bộ).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận