Thị trường

Thế giới sắp đạt 8 tỷ người - cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam

27/04/2023, 21:33

Đó là ý kiến của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) trong hội thảo Nâng tầm nông - thủy sản Việt vừa được tổ chức.

Nông sản Việt vẫn loay hoay với thị trường trong nước

Hội thảo Nâng tầm nông - thủy sản Việt do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ, chiều 27/4.

img

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, thế giới sắp đạt dân số 8 tỷ người, và năm sau dự báo sẽ thiếu lương thực. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Chúng ta có lợi thế về thiên nhiên, thổ nhưỡng. Vì vậy chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội này”, ông Thành nói.

Vẫn theo ông Thành, để thay đổi tình trạng được mùa mất giá của nông sản, cần thay đổi tư duy một cách đồng bộ, nhất quán.

Ông Thành minh họa câu chuyện ở Tập đoàn TTC rằng với 68.000ha mía đường, trong đó 30.000ha ở nước ngoài (Lào, Campuchia), Tập đoàn đã ứng dụng công nghệ cao tạo quy trình khép kín, thậm chí làm ra điện từ bã mía, tạo ra cánh đồng mẫu lớn.

img

Để nông - thủy sản Việt Nam không rơi vào cảnh được mùa, mất giá cần thay đổi tư duy đồng bộ

“Còn ở trong nước, TTC có gần 40.000ha mía, nông dân gần như chỉ cần góp đất, chúng tôi cung cấp giống, vật tư - bảo đảm nông dân có lãi. Nhờ bà con ủng hộ nên TTC thành công với vùng nguyên liệu mía đường.

Vai trò quản lý Nhà nước, ông Thành cho rằng Việt Nam rất năng động, ký được nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; vai trò tham tán thương mại rất quan trọng.

Tuy nhiên theo ông, cần đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng, logistics thì mới phát triển kinh tế.

Nông sản có vị thế nhưng nông dân vẫn bấp bênh

Việt Nam tuy đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng.

Ở thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp nhiều thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá", nông dân có thu nhập bấp bênh. Như hiện nay, xoài lai ở ĐBSCL có giá 2.000 đồng/kg, nhưng thương lái có lúc không mua.

img

Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô

Về vấn đề này GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, 2 năm trở lại đây, nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài tương đối dễ dàng hơn nên bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến cũng có tiến bộ.

Vấn đề lớn của hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam hiện nay là làm thế nào hàng Việt Nam có thể sống được với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các nước xung quanh, nhất là Thái Lan.

“Bà con nông dân Việt Nam tuy có vào HTX để lập thành những vùng sản xuất lớn, có sản phẩm/nguyên liệu đồng nhất để cung cấp cho các DN chế biến nhưng các HTX hiện nay cùng nhau sản xuất thật tốt còn rất ít.

70% nông dân vẫn thích làm ăn riêng lẻ, đất đai manh mún và làm theo ý mình”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

img

Nông - thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh ngay trên sân nhà

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, hiện còn những vấn đề phải bàn là làm thế nào tính toán xem từng địa phương hàng hoá nào nổi bật nhất. Tiếp theo là giải quyết vấn đề nông dân sản xuất riêng lẻ.

“Khi chúng ta muốn có nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao, sạch, ngon thì khó khăn. Khi nông dân làm riêng lẻ thì không theo quy trình khoa học đã hướng dẫn. Làm sao bớt hóa học để đẩy mạnh hữu cơ, vi sinh và sinh học để giữ vững chất lượng nguyên liệu đó”, GS.TS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến.

Để nông sản ĐBSCL cất cánh, ngoài việc duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu, theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) phải chú trọng phát triển hệ thống logistics và khuyến khích cung ứng và phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản.

Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các nguồn nhân lực, trong đó các trung tâm nghiên cứu khoa học là rất cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.