Tuyên bố của Houthi
Theo hãng tin Reuters và trang tin Middle East Eye, trong ngày 10/10, Abdul Malik al-Houthi, lãnh đạo nhóm vũ trang Houthi tại Yemen đã đưa ra cảnh báo rằng, Houthi sẵn sàng tham gia các hoạt động thù địch chống lại Israel nếu Mỹ can dự trực tiếp để ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Abdul Malik al-Houthi tuyên bố: "Nếu người Mỹ trực tiếp can dự, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các hoạt động quân sự khác".
Lãnh đạo Houthi còn bày tỏ quan điểm về cuộc tấn công ngày 7/10 do Hamas phát động nhằm vào Israel: "Chiến dịch này đã phá vỡ trạng thái cân bằng hiện có và gây ra những tổn thất đáng kể [cho Israel]".
Sau tuyên bố trên, Houthi tiếp tục có động thái phát đi thông điệp răn đe của mình. Trong ngày 12/10, theo ghi nhận của trang tin Avia.Pro, nhóm vũ trang Houthi đã đăng tải lên internet các bức ảnh kèm nhiều thông điệp được viết bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái.
Một phần nội dung trong các thông điệp này được dịch ra là: "Chúng tôi đang đến... hãy mong chờ những điều bất ngờ".
Lời đe dọa không thể xem nhẹ?
Avia.Pro cho hay, khả năng đe dọa của Houthi nằm ở việc nhóm này được trang bị số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa, cho phép tấn công các mục tiêu nằm trong khu vực lãnh thổ đối địch.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, vũ khí trong biên chế Houthi đã phát triển nhanh chóng cả về tầm bắn và độ chính xác trong những năm qua.
Thống kê của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu vào tháng 6/2019 cho thấy, Houthi đã phóng tổng cộng 226 tên lửa đạn đạo và 710.606 đầu đạn trong suốt 4 năm xung đột ở Yemen (bắt đầu từ cuối năm 2014).
Năm 2018, Houthi ra mắt UAV có tầm hoạt động 1.200-1.500km, cho phép tung đòn tấn công nhằm vào các thành phố Riyadh (Ả Rập Saudi), Abu Dhabi và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất).
Ngoài UAV, Houthi còn sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình diệt hạm, xuồng tự sát không người lái, tên lửa đạn đạo và pháo phản lực tầm xa.
Phân tích của Liên hợp quốc cho thấy Houthi đang kết hợp giữa các vũ khí tự phát triển với linh kiện mua từ nước ngoài để nâng cấp khí tài có sẵn.
Houthi giữ quan điểm đặc biệt gay gắt với Israel - quốc gia mà họ coi là một trong những "đối thủ chính" ở Trung Đông.
Hiện đang có những quan ngại sâu sắc rằng cuộc xung đột giữa Israel-Hamas có thể mở rộng, không còn đơn thuần là một cuộc xung đột cục bộ mà sẽ kéo theo các thế lực lớn hơn và hùng mạnh hơn tham chiến.
Trong khi đó, theo trang tin Middle East Eye, lời đe dọa của Houthi về khả năng tấn công Israel không phải là một diễn biến hoàn toàn mới mẻ, bởi nhóm vũ trang này từng đưa ra những cảnh báo tương tự trong quá khứ.
Năm 2020, một quan chức Houthi tuyên bố, tên lửa tầm xa mà nhóm này bắn vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi cũng có thể được sử dụng để chống lại Israel.
Trong bối cảnh số người Palestine thiệt mạng vì các vụ đánh bom trả đũa của Israel ngày càng gia tăng, và nguy cơ Israel phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza đang rất cận kề, các nhà lãnh đạo Houthi đã đưa ra nhiều lời kêu gọi về việc tham chiến và hỗ trợ các chiến binh Palestine.
Mohammed al-Bukhaiti, thành viên hội đồng chính trị của Houthi và là người phát ngôn của phong trào này, tuyên bố trên X (Twitter): "Tôi tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để trục kháng chiến - với các đại diện ở Yemen, Syria, Lebanon, Iran và Iraq - tham gia vào trận chiến quyết định chống lại thực thể Do Thái đang chiếm đóng".
Ahmed Nagi, chuyên gia phân tích cấp cao tại "Nhóm Khủng hoảng Quốc tế" - một tổ chức tư vấn ở Brussels - cho rằng thông điệp mà Houthi truyền tải đang nhằm mục đích nhấn mạnh lập trường của họ đối với bối cảnh khu vực.
Ở phía bắc Israel, phong trào Hezbollah tại Lebanon cũng đưa ra những lời đe dọa tương tự, và các cuộc "trao đổi hỏa lực" đang liên tục diễn ra ở biên giới Lebanon-Israel.
Theo ông Nagi, bối cảnh hiện tại tạo cơ hội cho Houthi tái khẳng định cam kết của họ đối với phong trào của người Palestine. Houthi coi đó là cốt lõi trong cuộc đấu tranh của họ, và thông điệp mới nhất đang thể hiện quan điểm này.
Middle East Eyes nhận định, mặc dù trước đó Houthi đã chứng tỏ khả năng phá vỡ các tuyến đường hàng hải thông qua những cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ nhưng vẫn chưa chắc liệu lực lượng này có sở hữu đủ các phương tiện để tiếp cận Israel hay không, hoặc sự táo bạo và hung hăng của họ có đủ để gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ trong khu vực hay không.
"Houthi có thể sở hữu những khả năng quân sự gì nếu họ quyết định can thiệp? Họ có tên lửa đủ khả năng tiếp cận Israel, hay các hành động của họ sẽ nhằm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực?", ông Nagi đặt câu hỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận