Các nước gấp rút sơ tán người dân
Trong khi đó, chưa rõ số phận của khoảng 150 người bị các tay súng Hamas bắt giữ và đưa về Dải Gaza.
Trong đêm 10/11, IDF thông báo đã không kích hơn 200 mục tiêu của Hamas ở quận at-Tuffah thuộc thành phố Gaza và một cơ sở quân sự của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), làm hơn 70 chiến binh Hamas và Jihad tại Dải Gaza thiệt mạng.
Quân đội Israel cũng cho biết đã không kích lãnh thổ Syria ngay trong đêm sau khi có đạn cối từ phía này bắn về phía Israel.
Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tiếp diễn, nhiều nước khẩn trương triển khai công tác sơ tán công dân khỏi khu vực xung đột.
Hãng tin ABC của Mỹ đưa tin Washington đang phối hợp với các quốc gia khác lên kế hoạch sơ tán người Palestine và người Mỹ khỏi Dải Gaza thông qua một hành lang nhân đạo tới Ai Cập.
Với Canada, Ngoại trưởng Melanie Joly thông báo, nước này đang lên kế hoạch sơ tán người dân khỏi Israel trong những ngày tới. Lực lượng vũ trang Canada sẽ hỗ trợ máy bay để sơ tán.
Bộ Ngoại giao Canada cũng đang tìm nhiều phương án để hỗ trợ những người không thể tới được sân bay ở Tel Aviv.
Ở Australia, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết nước này chuẩn bị điều 2 chuyến bay đặc biệt do hãng Qantas thực hiện để hồi hương công dân từ Israel.
Dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ khởi hành trong ngày 13/10 đưa người Australia về nước.
Các chuyến bay giải cứu này sẽ xuất phát từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv đến thủ đô London (Anh) và hoàn toàn miễn phí. Những người dân Australia không muốn đi các chuyến bay thương mại rời Israel theo kế hoạch của riêng mình thì có thể đi theo các chuyến bay này.
Tại Đan Mạch, Chính phủ nước này thông báo đã ra lệnh chuẩn bị sơ tán công dân khỏi các khu vực xung đột ở Israel và Palestine. Hiện có khoảng 1.200 người Đan Mạch được cho là đang ở Israel và khoảng 90 người đang ở Palestine.
Chính quyền Copenhagen sẽ điều máy bay tới khu vực trong vài ngày tới.
Bên cạnh đó, Indonesia đã đề nghị Philippines hỗ trợ nước này sơ tán công dân trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas tiếp diễn căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Lalu Muhammad Iqbal cho biết Jakarta đang tìm mọi cách để sơ tán công dân một cách an toàn, bao gồm cả việc đàm phán với Philippines, quốc gia có Đại sứ quán tại Tel Aviv của Israel.
Trước đó, Thủ tướng Thái Lan cũng chỉ đạo Không quân chuẩn bị máy bay đưa người dân về nước.
Hé lộ chủ mưu đứng sau cuộc đột kích đẫm máu
Cuộc xung đột lần này đang kéo dài chuỗi xung đột đẫm máu giữa Israel với người Palestine và nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas.
Tuy xung đột giữa hai bên đã bắt đầu ngay từ khi Israel lập quốc vào năm 1948 nhưng đây được đánh giá cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua đối với Israel.
Theo hãng tin Reuters, người chủ mưu bí ẩn đằng sau cuộc đột kích Israel của phong trào Hamas là Mohammed Deif, Chỉ huy Lữ đoàn Al Qassam của Hamas, người từng 7 lần thoát ám sát và rất hiếm khi xuất hiện công khai.
Hiện chưa rõ Deif đang ở đâu. Rất có thể ông đang ở trong mê cung đường hầm bên dưới Gaza.
Hãng Reuters đưa tin, Mohammed Deif chính là người có giọng nói đầy phẫn nộ trong băng ghi âm kêu gọi các tay súng Hamas chống lại Israel.
Qua tên gọi"Al Aqsa Flood" (Cơn hồng thủy Al Aqsa) mà Deif sử dụng để đặt cho chiến dịch ngày 7/10, theo Reuters, có thể thấy ông muốn ám chỉ vụ tấn công lần này chính là để đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem.
Cuộc đột kích đó xảy ra vào tháng 5/2021 khi Israel bất ngờ tấn công vào nhà thờ Al Aqsa - địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi và khiến cả thế giới Ả Rập và Hồi giáo phẫn nộ, hãng Reuters dẫn một nguồn tin cho biết.
Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa từ lâu đã là điểm bùng phát bạo lực về các vấn đề chủ quyền và tôn giáo ở Jerusalem. Và cuộc tấn công vào đây năm 2021 từng châm ngòi cho 11 ngày giao tranh hiện tại giữa Israel và Hamas.
Là người sống sót sau bảy vụ ám sát của Israel trong đó lần gần nhất vào năm 2021, Deif hiếm khi phát biểu và không bao giờ xuất hiện công khai. Vì vậy, khi kênh truyền hình của Hamas đăng bài phát biểu của Deif vào thứ Bảy tuần trước, người Palestine hiểu chắc chắn phải có thông điệp quan trọng.
Trong đoạn ghi âm, Deif cho rằng, Hamas đã nhiều lần cảnh báo Israel chấm dứt tội ác chống lại người Palestine, trả tự do cho những tù nhân mà ông cho rằng đã bị ngược đãi và tra tấn cũng như chấm dứt việc trưng thu đất đai của người Palestine, theo Reuters.
Sau đó, Deif lên tiếng kêu gọi: “Hôm nay cơn thịnh nộ của Al Aqsa, cơn thịnh nộ của nhân dân đang bùng nổ. Các mujahedeen (chiến binh) của chúng ta, hôm nay là ngày các bạn phải làm cho tên tội phạm này hiểu rằng thời của hắn đã kết thúc”.
"Bộ não" đằng sau kế hoạch đột kích
Một nguồn tin an ninh Israel cho biết Deif trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch và điều hành cuộc tấn công.
Một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết, quyết định đột kích Israel là do cả Deif - Chỉ huy Lữ đoàn Al Qassam của Hamas, cùng Yehya Sinwar - Thủ lĩnh Hamas ở Gaza, cùng đưa ra nhưng chỉ có một người duy nhất lên kế hoạch đó chính là Deif.
Deif đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch đánh lừa trong suốt thời gian dài để Israel tin rằng Hamas không quan tâm đến việc phát động xung đột mà chỉ tập trung vào phát triển kinh tế ở Gaza.
Nhưng trong khi Israel bắt đầu khuyến khích kinh tế cho người lao động Gaza, các chiến binh của Hamas vẫn âm thầm huấn luyện và diễn tập.
Theo ông Ali Baraka, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của Hamas, phong trào Hồi giáo Hamas đã chuẩn bị cho trận chiến này trong hai năm”.
Người đàn ông sống trong bóng tối
Mohammed Deif sinh năm 1965, với cái tên Mohammad Masri tại Trại tị nạn Khan Yunis, nơi được thành lập sau Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948.
Sau đó, ông đổi tên thành Mohammed Deif khi gia nhập Hamas trong cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên của người Palestine năm 1987.
Một nguồn tin của Hamas cho biết ông bị Israel bắt giữ vào năm 1989 và bị giam khoảng 16 tháng.
Deif có bằng khoa học tại Đại học Hồi giáo ở Gaza, từng nghiên cứu vật lý, hóa học và sinh học. Ngoài ra, thời sinh viên, nhân vật bí ẩn này còn yêu thích nghệ thuật, đứng đầu ban văn hóa giải trí của trường đại học và từng tham gia biểu diễn nhiều tiết mục hài.
Khi lên được các chức vụ cao hơn trong hàng ngũ Hamas, Deif đã phát triển mạng lưới đường hầm và phát triển kỹ thuật chế tạo bom cho nhóm.
Tính đến nay, Deif đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel trong nhiều thập kỷ vì bị cáo buộc là người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục người Israel trong các vụ đánh bom liều chết.
Trong một vụ ám sát của Israel, các nguồn tin của Hamas cho biết, Deif đã bị mất một mắt và bị thương nặng ở một chân.
Vợ ông, con trai 7 tháng tuổi và con gái 3 tuổi cũng đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel năm 2014.
Việc có thể sống sót và điều hành cánh vũ trang của Hamas đã giúp Deif được không ít người dân Palestine tôn sùng.
Về nhận dạng của người này, trong các video Deif luôn xuất hiện trong lúc bịt mặt hoặc chỉ quay phần sau lưng.
Hiện chỉ có thể tìm thấy ba bức ảnh của Deif: một bức chụp thời 20 tuổi, một bức chụp khi mặt che kín và một bức chụp bóng. Bức chụp bóng được sử dụng khi đoạn ghi âm kêu gọi thực hiện đột kích chính thức công bố.
Một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết Deif không sử dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại như điện thoại thông minh. Có lẽ vì vậy, Deif rất khó nắm bắt và nổi danh là người "sống trong bóng tối".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận